Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: 5 điều không thể quên

Tuy nhiên, lựa chọn nội dung để đặt câu hỏi cho khéo léo và hiệu quả thì không phải ứng viên nào cũng nắm rõ. Dưới đây là 5 nội dung gợi ý dành cho bạn.

Câu hỏi về trách nhiệm công việc

Mặc dù trước khi gửi CV ứng tuyển việc làm ở Huế, TPHCM hay Hà Nội, bạn cũng đã nắm được nội dung công việc cơ bản thông qua tin tuyển dụng. Tuy nhiên, hầu hết những bản mô tả công việc mang tính chất chung chung và thiếu sự rõ ràng. Cũng có không ít công ty, mô tả công việc một nơi nhưng thực tế thì một nẻo. Bởi vậy trong buổi phỏng vấn khi được trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng, bạn nên làm rõ trách nhiệm, nội dung công việc cụ thể của vị trí ứng tuyển.

Thông qua câu hỏi đó, bạn sẽ có thêm thông tin, lấy đó làm căn cứ để có những suy tính hợp lý khi đàm phán về quyền lợi với nhà tuyển dụng. Quan trọng hơn khi nắm được nội dung công việc cụ thể, bạn có được góc nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết, từ đó cân nhắc lại xem bản thân có thực sự phù hợp với công việc hay không.

Câu hỏi về những tiêu chí để đánh giá công việc

Mỗi công việc đều có thước đo riêng, có cách đánh giá riêng, mỗi công ty cũng sẽ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá về nhân sự. Vậy nên khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn không nên bỏ qua nội dung này. Bạn nên làm rõ câu hỏi này bởi ít nhất bạn sẽ phải trải qua thời gian thử việc nếu trúng tuyển. Đây là thời gian căng thẳng nhiều áp lực với bất kể nhân sự nào, nếu bạn mông lung không biết những tiêu chí đánh giá công việc trong từng giai đoạn thì rất dễ thất bại.

Vì thế, bạn cần nắm rõ những thước đo cụ thể mà công ty hay phòng ban ứng viên làm việc dùng để đo lường hiệu suất, hiệu quả công việc (KPIs).

Dựa vào những chỉ số này bạn sẽ tự đánh giá lại bản thân, có sự chuẩn bị chu đáo hơn nếu trúng tuyển.

Câu hỏi về những yêu cầu khác ngoài chuyên môn

Thực tế ngày nay, ngoài chuyên môn, các kỹ năng khác có tính “sống còn” cho ứng viên khi họ chính thức vào công ty làm việc. Bởi vậy, bạn nên đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về nội dung này.

Trong một công việc, mỗi doanh nghiệp, mỗi vị trí cụ thể sẽ có những yêu cầu khác nhau. Từ sự chia sẻ của nhà tuyển dụng, bạn có thể cân nhắc xem có thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc xa hơn nữa có thấy được cơ hội để phát triển bản thân với công việc hay không.

Câu hỏi về lộ trình thăng tiến

Một doanh nghiệp tiềm năng sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ những cơ hội mà ứng viên có được khi làm việc tại công ty. Nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao những ứng viên có những hoạch định cụ thể cho sự nghiệp thông qua câu hỏi về lộ trình thăng tiến nếu đảm nhận vị trí công việc.

Thông qua câu trả lời của nhà tuyển dụng, bạn sẽ đánh giá được tầm quan trọng của vị trí ứng tuyển, xác định được cơ hội thăng tiến trong công ty. Hơn nữa đặt câu hỏi này cho nhà tuyển dụng cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về chiến lược công ty, từ đó nhìn nhận lại kế hoạch phát triển sự nghiệp bản thân, xem đó có phải môi trường phù hợp để thực hiện hay không.

Câu hỏi tìm hiểu về nhân sự, môi trường doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tới hiệu quả, năng suất cũng như sự gắn bó và cống hiến của từng nhân sự. Một môi trường doanh nghiệp mà ở đó các phòng ban không thống nhất, nhân sự lục đục, thiếu đoàn kết… thì rõ ràng nó không phải môi trường lý tưởng để gắn bó.

Bạn có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về đội nhóm mà mình sẽ làm việc nếu trúng tuyển, từ đó chắt lọc thông tin và có đánh giá khách quan về đồng nghiệp, về môi trường làm việc. Ngoài ra, bạn cũng nên biết thêm về những quy định, quy chế của công ty để xem nó có thực sự phù hợp với cá nhân hay không... Khi hỏi về nội dung này, bạn không chỉ hiểu rõ hơn về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mà còn có thêm thông tin để có những quyết định đúng đắn về công việc.

Kết quả buổi phỏng vấn có thể thay đổi hoàn toàn sau khi bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Bởi vậy, tùy thuộc vào tình huống thực tế của buổi phỏng vấn, bạn nên linh hoạt và lựa chọn những câu hỏi phù hợp nhất để ghi điểm với nhà tuyển dụng, đồng thời hiểu hơn về môi trường bạn sẽ làm việc trong tương lai nếu trúng tuyển.

Nguyễn Lý