Đào tạo tiến sỹ: 'Số lượng ít còn hơn nhiều mà không chất lượng'

(Ảnh minh họa: PV)

“Đào tạo ra nhiều tiến sỹ nhưng không có chất lượng thì chi bằng đào tạo ít nhưng chất lượng tăng lên.” Đó là ý kiến của giáo sư Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng (2010-2018) xung quanh việc bỏ yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Thông tư 18 quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ do Bộ mới ban hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8 và sẽ thay thế Thông tư 08 về quy chế đào tạo tiến sỹ đã được Bộ ban hành năm 2017.

Giảm số lượng vì "siết" chuẩn đầu ra

Theo giáo sư Trần Văn Nam, năm 2017, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo Thông tư 08, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều và các nhà khoa học đã phải đấu tranh quyết liệt mới đưa được yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế đối với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn vào quy chế đào tạo tiến sỹ.

Năm 2017 cũng là năm cả nước dậy sóng khi hàng loạt sai phạm trong đào tạo tiến sỹ tại Học viện Khoa học xã hội bị phanh phui. Trong khi cơ sở đào tạo trong nước dễ nảy sinh các tiêu cực, Thông tư 08 với yêu cầu công bố quốc tế được coi là rào cản siết chất lượng đào tạo.

“Tác động đầu tiên nhận thấy là nguồn tuyển nghiên cứu sinh giảm sút, không đủ chỉ tiêu,” giáo sư Trần Văn Nam nói. Điều này không chỉ ở Đại học Đà Nẵng mà trên cả nước.

Với việc siết chuẩn đầu ra bằng yêu cầu công bố quốc tế của quy chế đào tạo tiến sỹ năm 2017, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng tuyển mới các nghiên cứu sinh và quy mô đào tạo tiến sỹ (không tính khối trường quân đội, công an) đã liên tục giảm thay vì tăng lên như trước đó.

Số lượng tuyển mới nghiên cứu sinh giảm mạnh.

Cụ thể, năm học 2016-2017, ngành giáo dục tuyển mới 2.882 nghiên cứu sinh. Năm học 2017-2018, số nghiên cứu sinh tuyển mới tăng lên 3.074. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, số nghiên cứu sinh tuyển mới giảm trên 50%, chỉ còn 1.496. Năm học 2019-2020, con số này chỉ còn 903 nghiên cứu sinh, giảm 40% so với năm học 2018-2019.

Quy mô đào tạo tiến sỹ năm học 2016-2017 trong hệ thống các trường đại học là 13.578 người, tăng 25% so với năm học 2015-2016. Năm học 2017-2018, quy mô đào tạo tiếp tục tăng lên 14.686 người. Nhưng đến năm học 2018-2019, quy mô đào tạo tiến sỹ giảm còn 11.000, năm học 2019-2020 là 11.054 người.

Việc giảm số lượng đầu vào dẫn đến quy mô đào tạo tiến sỹ giảm.

Theo một nghiên cứu sinh của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình học, hoàn thành luận án nhưng đang ở “chế độ chờ,” chưa thể bảo vệ, vì chưa đáp ứng yêu cầu về công bố khoa học. "Đây là tình trạng ở nhiều cơ sở đào tạo tiến sỹ khi các khóa đào tạo tiến sỹ đầu tiên theo Thông tư 08 đã bắt đầu hết thời gian ba năm đào tạo," nghiên cứu sinh này cho hay.

Sức ép giúp tăng hạng về công bố khoa học

Theo giáo sư Trần Văn Nam, việc giảm số lượng nghiên cứu sinh là tất yếu. “Nhưng điều đó cũng cho thấy chỉ ai có quyết tâm làm tiến sỹ để nâng cao trình độ thì họ mới phải dành thời gian đầu tư thích đáng để đi học và khi đó tấm bằng của họ sẽ đảm bảo chất lượng. Thông tư 08 đã gạt bớt những người đi học tiến sỹ chỉ để làm đẹp hồ sơ hay không đủ năng lực nghiên cứu. Đó là điều tốt. Anh làm ra nhiều tiến sỹ nhưng không có chất lượng thì chi bằng làm ít nhưng chất lượng tăng lên. Thông tư 08 cũng đã là động lực để nghiên cứu sinh, người hướng dẫn phải nỗ lực hơn. Điều này thể hiện rất rõ ở Đại học Đà Nẵng khi số lượng công bố quốc tế tăng lên,” giáo sư Trần Văn Nam nói.

Theo lãnh đạo Đại học Huế, chính việc Thông tư 08 tác động rất lớn đến nguồn tuyển sinh đã tạo một áp lực tích cực, bắt buộc không chỉ nghiên cứu sinh, giáo viên hướng dẫn mà cả lãnh đạo cấp bộ môn, khoa, trường phải thay đổi. Nhiều chính sách mới đã ra đời như hỗ trợ nghiên cứu sinh, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong đó có nghiên cứu sinh tham gia và có hỗ kinh phí để thực hiện ngoài các hệ thống đề tài đang có, chính sách rõ ràng hơn trong viêc khen thưởng bài báo quốc tế với các mức thưởng khác nhau, hỗ trợ nghiên cứu sinh dự bị để đủ điều kiện vào làm nghiên cứu sinh chính thức theo quy định…

Những áp lực đó đã góp phần thúc đẩy số lượng công bố bài báo ISI và Scopus của Việt Nam đã tăng nhanh chưa từng có.

Theo thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa, nếu năm 2016, Việt Nam tăng 674 bài ISI so với năm 2015 thì năm 2017, số bài báo ISI tăng so với năm trước đó là gần 700 bài, năm 2018 là gần 1.400 bài, năm 2019 lên hơn 2.600 bài. Năm 2020, số bài báo ISI tăng 3.756 bài so với năm 2019. Số bài báo ISI năm 2020 còn lớn hơn tổng số bài báo ISI của ba năm 2017, 2016 và 2015 cộng lại, cũng lớn hơn tổng số bài ISI của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2011 đến 2015. Tốc độ tăng trưởng số bài báo ISI của Việt Nam năm 2015 là gần 114% thì đến năm 2018, con số này là 129%, năm 2019 là 143% và năm 2020 tiếp tục tăng lên 144,7%.

Thông tư 08 với yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn đã góp phần thúc đẩy số lượng các công bố quốc tế trên tạp chí ISI của Việt Nam tăng mạnh trong ba năm gần đây.

Trên bảng xếp hạng của Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO đánh giá các cơ sở dữ liệu từ nguồn Scopus, Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 20 với ngành kinh tế, vị trí thứ 25 ở ngành kinh doanh, ngành toán đứng thứ 30 trên thế giới.

Thông tư 18: Sẽ lại thụt lùi?

Với những tín hiệu tích cực từ tác động của Thông tư 08 trong không chỉ công bố quốc tế mà cả quản lý giáo dục đại học, giáo sư Trần Văn Nam cho hay ông rất bất ngờ và “không hiểu sao” khi ngày 28/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban thành Thông tư 18 về quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ thay thế Thông tư 08 năm 2017, trong đó bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế đối với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn. “Đã nâng lên rồi thì không có lý do gì lại hạ xuống,” giáo sư Trần Văn Nam nói.

Điểm mới này của Thông tư 18 cũng đang là chủ đề tranh luận của cộng đồng khoa học khi nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 18 là bước thụt lùi với Thông tư 08, là cơ hội cho các cơ sở đào tạo tiến sỹ chất lượng thấp, chọn số lượng thay vì chất lượng.

Thậm chí, tại khoản 2, Điều 24, của Thông tư 18, Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường được tự quyết việc có thể áp dụng bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế của Thông tư 18 với các khóa đã tuyển sinh theo Thông tư 08 năm 2017.

"Với quy định cho phép áp dụng hồi tố tại khoản 2, Điều 24 của Thông tư 18, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xóa sổ một trong những điểm cốt lõi của Thông tư 08, điều mà thời điểm năm 2017, các nhà khoa học đã phải đấu tranh quyết liệt để đưa vào Thông tư 08 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hội nhập quốc tế," giáo sư, lãnh đạo một đại học cho hay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng yêu cầu công bố quốc tế của Thông tư 08 năm 2017 còn chung chung, trong khi cũng có nhiều tạp chí quốc tế chưa đảm bảo chất lượng, và việc chỉ cần công bố khoa học trong nước là phù hợp với thực tế đào tạo tại Việt Nam, tạo điều kiện cho tạp chí khoa học trong nước phát triển.

Giáo sư Trần Văn Nam cho rằng quy định chung chung đúng là hạn chế của Thông tư 08 nhưng việc gạt bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế là không phù hợp. “Muốn ủng hộ tạp chí trong nước thì có thể quy định một bài quốc tế, một bài trong nước vì dù đã có cố gắng nhưng chất lượng các tạp chí trong nước đa phần chưa cao. Bộ có thể quy định chặt chẽ hơn về công bố quốc tế. Như vậy mới nâng cao được chất lượng đào tạo tiến sỹ cũng như chất lượng đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh, chất lượng giáo dục đại học, tiệm cận quốc tế,” giáo sư Trần Văn Nam nói.

Cũng theo giáo sư Trần Văn Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đặt một mức sàn cao để chắc chắn đảm bảo chất lượng hơn là đưa ra mức sàn thấp và kỳ vọng vào việc các trường sẽ tự nâng chuẩn cao hơn sàn theo cơ chế tự chủ đại học./.

Phạm Mai (Vietnam+)