Đào tạo nhân lực bán dẫn và cuộc 'chạy đua' với thời gian

Mới đây một số trường đại học đã mở chuyên ngành đào tạo bán dẫn nhưng để tới ngày “hái quả” nguồn nhân lực thì cơ hội có thể sẽ qua đi. Đào tạo ngắn hạn và thu hút các Việt kiều trong ngành này về nước làm việc có phải là giải pháp tối ưu?

Cần tăng cường đào tạo ngắn hạn?

Được biết đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn (đang được gấp rút nghiên cứu và sẽ sớm được trình Chính phủ trong thời gian tới) đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam chỉ có 5.000 kĩ sư bán dẫn. Như vậy từ nay đến 2030, theo đề án thì cần đào tạo được 45.000 kĩ sư bán dẫn nữa. Hiện nhiều trường đại học trên cả nước đã và đang mở ngành đào tạo bán dẫn thu hút nhiều người theo học.

Nhành công nghiệp bán dẫn đang chạy đua đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn nhanh chóng có lực lượng nhân lực bán dẫn hùng hậu thì hoàn toàn có thể đào tạo thời gian ngắn cho các sinh viên tốt nghiệp trong ngành điện tử viễn thông, đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quan đến thiết kế vi mạch, bán dẫn. Những nhân lực này nếu được đào tạo lại đúng chuyên ngành bán dẫn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Đào tạo lại những kỹ sư đã tốt nghiệp chuyên ngành gần bán dẫn là giải pháp nhanh chóng tăng lượng nhân lực ngành bán dẫn cung cấp cho thị trường.

Chia sẻ với KTSG Online, ông ương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, nếu có cách tiếp cận mới, các kỹ sư phần mềm Việt chỉ mất 3 tháng đào tạo để chuyển sang làm chip, thay vì quá trình chuyển đổi 18 tháng.

Theo ông Bình, thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư phần mềm Việt có thể chuyển đổi sang làm chip trong vòng 3 tháng, sau đó chia nhỏ việc ra để vừa học vừa làm.

Nếu tiếp cận theo cách trên, chủ tịch FPT cho rằng, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có thể chuyển rất nhanh sang thiết kế chip theo hợp đồng làm thuê. Qua quá trình đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ có thể tích lũy, rồi tiến tới việc tự làm ra các con chip hoàn toàn mới hoặc làm ra các con chip cũ với giá rẻ.

Nói về đào tạo nhân lực bán dẫn, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia à Nội) cho hay, để phát triển nhân lực bán dẫn, đơn vị này đã triển khai cả 2 loại hình – đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

Với chương trình dài hạn, sinh viên sẽ được đào tạo từ đầu, mất khoảng 4-5 năm để rèn luyện tư duy và có những kiến thức căn bản thông qua chương trình đào tạo đại học.

Bên cạnh đó, Viện Công nghệ Thông tin cũng đang triển khai mô hình đào tạo 3-6 tháng, gọi là chương trình nâng cấp kỹ năng về thiết kế vi mạch. Chương trình này đã triển khai từ năm nay với khóa đào tạo tại Đà Nẵng.

Ông Tú cho rằng, với những người có nền tảng tư duy, kiến thức phần cứng và kỹ năng lập trình tốt, việc họ tham gia vào một công việc khác sau khi được đào tạo từ 3-6 tháng là hoàn toàn khả thi. Tất nhiên, điều này phải được kết hợp cùng một chương trình đào tạo tốt, cộng với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên hướng dẫn chất lượng.

Là người có kinh nghiệm trong đào tạo, ông Tú cho rằng, với những người có ngành học gần với kỹ sư phần mềm, có thể đào tạo nhanh từ 3-6 tháng là đã có thể tham gia một số công đoạn trong thiết kế vi mạch.

Song vị Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin cũng cho hay, không quá lạc quan rằng người được đào tạo nâng cấp kĩ năng chỉ 3-6 tháng là có thể làm được tất cả mọi thứ bởi việc thiết kế vi mạch cũng cần có kinh nghiệm. Bởi lĩnh vực này, khi tuyển dụng, kỹ sư, doanh nghiệp thường yêu cầu ứng viên phải có từ 1-3 năm kinh nghiệm, hoặc hỏi rõ họ đã từng triển khai bao nhiêu dự án… Những thông tin này là điều kiện tham khảo để biết liệu ứng viên đó có đủ khả năng đi từ công đoạn đầu đến cuối của quá trình thiết kế chip hay không.

Nhận định về tiềm năng của Việt Nam khi phát triển nhân lực trong ngành bán dẫn, ông Tú cho rằng chúng ta có nền tảng toán học tốt, nền tảng giáo dục phổ thông tốt. Các bạn trẻ lại quan tâm nhiều tới các môn về kỹ thuật. Thêm nữa Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn vàng về dân số trẻ. Đây là tiền đề để phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn.

Được biết, trong tháng 3 vừa qua Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tại đây, đại diện các cơ sở giáo dục đại học thể hiện sẵn sàng đồng lòng, hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện đại học này có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Bên cạnh đào tạo nhân lực trình độ chuyên môn sâu, Đại học Bách khoa Hà Nội còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành gần; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

Tạo môi trường thu hút chuyên gia Việt Kiều

Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, nhu cầu 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ vì vậy cần quyết tâm để đạt được mục tiêu này.

Ngoài việc các doanh nghiệp, trường đại học triển khai những khóa đào tạo ngắn hạn cho các kĩ sư gần với ngành bán dẫn (phần mềm, công nghệ thông tin…) để nhanh chóng có nhân lực bán dẫn, nhiều ý kiến còn cho rằng các chuyên gia người Việt ở nước ngoài sẽ là nguồn bổ sung nhân lực rất tốt cho ngành bán dẫn Việt Nam. Song, Chính phủ cần phải có những chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hồi tháng trước, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM nhận định, bối cảnh Việt Nam hiện đang thuận lợi để các chuyên gia bán dẫn ở nước ngoài về nước. Muốn phát triển ngành bán dẫn trong nước, theo ông Thi, lực lượng người Việt ở nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.

Chính phủ cần phải có những chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài. Ảnh minh họa: ĐH Bách Khoa TPHCM

Khảo sát của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cho thấy, hiện nhiều người Việt đang làm trong lĩnh vực bán dẫn ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, có cả những công ty danh tiếng top đầu ngành bán dẫn của thế giới như Qualcomm, Amkor hay Texas Instruments…

Ông Trương Gia Bình cho hay qua tiếp xúc ông biết nhiều người Việt ở Mỹ sẵn sàng về Việt Nam làm việc nếu thấy môi trường phù hợp. Đây sẽ là nguồn bổ sung nhân lực quan trọng cho ngành bán dẫn Việt Nam ở cả khía cạnh nghiên cứu, phát triển và đào tạo.

Nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thônh tin Việt Nam gần đây đã ra mắt Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ủy ban này là tập hợp lực lượng các chuyên gia người Việt đang làm chip trên toàn cầu để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng, tham gia vào công cuộc phát triển ngành bán dẫn trong nước. Tuy nhiên, để thu hút nhân tài bán dẫn thế giới là Việt Kiều về nước, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hợp lý.

Là một doanh nghiệp về bán dẫn, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Corvo Việt Nam cho rằng, muốn phát triển nguồn lực, tìm kiếm nhân tài, Việt Nam nên có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Tham vọng với ngành bán dẫn của Việt Nam rất lớn, điều này đã đủ gây sự chú ý với các nhân tài. Điều quan trọng là Việt Nam cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể và bắt tay ngay vào công việc. Điều này cần đến sự chung tay của các bộ, ban, ngành, cũng như các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, kết nối để cùng triển khai.

Một trong những lợi thế của Việt Nam là có một nhóm người Việt hoặc người gốc Việt rất lớn đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Một số người Việt còn trở thành nhân vật tầm cỡ, nổi bật là bà Lê Duy Loan, người Châu Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật (Senior Fellow – Nhà nghiên cứu thâm niên), tương đương vị trí Phó chủ tịch hãng Texas Instruments.

Do đó các chuyên gia cho rằng để thu hút nhân tài về nước, cần phải có một chiến lược và đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp bán dẫn là rất quan trọng. Nếu các chuyên gia người Việt ở nước ngoài thấy mục tiêu của Việt Nam đủ lớn, đủ tham vọng, đem lại ít nhiều lợi ích, cơ hội thì họ sẽ tham gia. Chỉ khi dự án đủ thú vị thì mới thu hút được nhân tài.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Từ mục tiêu này, Bộ này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.

Vân Ly