'Đánh thức' tiềm năng thương mại điện tử

Theo số liệu thống kê của Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://online.gov.vn, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 127 website về thương mại điện tử. Trong đó, có 122 website có chức năng bán hàng, 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được mua sắm chủ yếu trên website/ứng dụng TMĐT là: Thiết bị điện tử, thời trang, phụ kiện, nhà cửa, các nhóm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...

Cán bộ Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương hướng dẫn người dân truy cập, xem thông tin và đặt hàng sản phẩm qua website: teqni.gov.vn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó, thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại hơn, hiện, Sở Công Thương đã lên kế hoạch khảo sát các doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh và dịch vụ xúc tiến thương mại trên địa bàn để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp. Cùng với đó, để doanh nghiệp tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa với giao dịch TMĐT, ngành cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bán hàng kinh doanh qua TMĐT và ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đăng ký thông tin và nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm để giới thiệu trên sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh www:http//teqni.gov.vn. Đây là sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Ninh được nhiều doanh nghiệp và người dân lựa chọn, tin tưởng. Hiện sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Vietel, VNPT... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như: Lazada, Shopee, Fado, Tiki. Đồng thời liên kết với Viettel tích hợp tính năng thanh toán điện tử qua Viettel Pay nhằm hỗ trợ tối đa sự thuận lợi cho việc thanh toán của người tiêu dùng; hỗ trợ kết nối với trang TMĐT lớn Amazon...

Chị Bùi Thị Nhàn, chủ cơ sở kinh doanh mắm tép chưng thịt Nguyên Nhàn (TX Quảng Yên), cho biết: Chúng tôi đã tham gia sàn TMĐT từ năm 2019 và cũng đã được người tiêu dùng biết đến. Tôi thấy, việc đưa các sản phẩm của mình lên sàn giao dịch của tỉnh giúp cho các doanh nghiệp tăng mạnh về lượng đặt hàng trong thời gian qua. Có rất nhiều khách hàng từ tỉnh ngoài, vùng xa cũng đã biết đến sản phẩm, qua đó góp phần đưa sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người biết đến trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện ngành Công Thương Quảng Ninh đang tiếp tục nâng cấp, bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh; tăng cường hoạt động, quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) qua hệ thống Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có từ 400-500 doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, xây dựng phần mềm tổ chức, quản lý hội chợ triển lãm trực tuyến tỉnh Quảng Ninh thông qua các kỳ hội chợ để thúc đẩy doanh nghiệp, người tiêu dùng tăng cường mua sắm qua môi trường mạng...

Người tiêu dùng có thể tham khảo, lựa chọn sản phẩm OCOP Quảng Ninh chỉ qua một vài thao tác đơn giản trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương, cho biết: Giao dịch TMĐT đang ngày càng trở thành xu thế hội nhập. Chính vì vậy, việc thu hút, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là hết sức cần thiết. Dự kiến, thời gian tới Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở Công Thương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến; tổ chức hội nghị về hỗ trợ triển khai phân phối sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT lớn... để tăng tính tương tác và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch TMĐT.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh có trên 300 sản phẩm được niêm yết và giao dịch trực tuyến.

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2020 Quảng Ninh đứng thứ 8/55 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số TMĐT Việt Nam; tổng giá trị mua sắm trực tuyến bình quân/người trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,8 triệu đồng, tăng 8,3% so với năm 2019. Tổng doanh thu từ hoạt động TMĐT đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 30% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020.

Với những lợi thế sẵn có đó, việc “đánh thức” tiềm năng TMĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết giúp thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, tiến tới hội nhập. Đồng thời, đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch, bảo vệ được quyền lợi, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu phương thức giao dịch TMĐT đạt mức tăng trưởng 18-20%, tổng doanh thu đạt 33.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh có thể đạt tỷ lệ 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng qua các phương tiện điện tử...

Người tiêu dùng có thể truy cập và đặt hàng sản phẩm ngay trên điện thoại giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thói quen mua sắm văn minh trong thời kỳ hội nhập.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT; phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm hạ tầng kết nối phục vụ các hoạt động trong TMĐT (giao dịch, xử lý đơn hàng, thanh toán điện tử...); phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động hiện đại, tiện ích, tiện lợi, dễ sử dụng (như thanh toán qua ví điện tử, QR code, Mobimoney...)...

Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ để có thể tận dụng được hết lợi ích từ công nghệ số. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan trong tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh việc thông tin, tập huấn ứng dụng TMĐT vào hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, hàng hóa từng bước tiến tới hội nhập quốc tế.

Minh Đức