Dáng vóc mới của vùng đất mở

Nhớ lại thời điểm tách ra từ Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, về thủ phủ tỉnh lỵ Tam Kỳ, "gia tài của mẹ" để lại cho cả triệu con dân nơi đây chủ yếu là những cánh đồng trồng lúa, thuần làm nông nghiệp. Công nghiệp hầu như không có gì. Ngoài các quán bán mì Quảng rải theo đường lộ thì diện mạo thương mại dịch vụ lèo tèo với những ngôi chợ xưa, xập xệ. Tâm trạng của người đi xây tỉnh mới như câu thơ nhại Chinh phụ ngâm của Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân lúc ấy là: "Đường Đà Thành lung linh ánh điện. Phố Tam Kỳ mù mịt cát bay"...

Lối rẽ sáng lên từ quyết sách

Khát vọng phát triển nhưng tiền đâu? Tổng cả 15 huyện thị của tỉnh chỉ thu được ngân sách vỏn vẹn hơn 127 tỉ đồng. Vậy nên HĐND tỉnh họp phiên đầu tiên sau ngày tái lập rụt rè biểu quyết chi ngân sách 523 tỉ đồng, lấy đâu mà đầu tư phát triển. Trong khi đó nhu cầu xây dựng "điện đường trường trạm" quá lớn, tỉnh lỵ Tam Kỳ cũng chỉ là thị xã hiếm có ngã tư, thị xã Hội An như người già tịch mịch, còn các huyện miền núi tỉ lệ hộ đói nghèo có nơi trên dưới 80%. Thêm nữa, trải 3 năm đầu tiên (1997-1999), hết hạn hán rồi bão lũ liên tục ập đến, mà dấu ấn khó quên là cơn đại hồng thủy 1999 làm tan hoang bao ngôi làng, đe dọa vỡ đập Phú Ninh (Chủ tịch tỉnh bấy giờ là ông Lê Trí Tập đã lấy sinh mạng mình để giữ không phá đập).

Trăn trở với khó khăn chồng chất, người Quảng quyết không cam chịu cảnh đói nghèo và lạc hậu. Nhưng phải đổi mới tư duy làm ăn như thế nào? Con đường đi lên sẽ bắt đầu từ đâu? Những câu hỏi đó xoáy vào tâm tư của cán bộ, nhân dân Quảng Nam. Và quyết sách mới đã ra đời là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động từ thuần nông sang phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Mũi đột phá vào công nghiệp hóa bắt đầu từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng và xúc tiến đầu tư, khởi đi từ cực bắc tỉnh với Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đến cực Nam với các nhà máy mọc lên cùng sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai. Không chỉ xây các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, Quảng Nam còn phát triển cụm công nghiệp ở hầu khắp huyện thị, mở rộng mạng lưới công nghiệp nông thôn. Kết quả là giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng không ngừng tăng tốc, đóng góp vào ngân sách ngày càng lớn. Đơn cử như Khu kinh tế mở Chu Lai, nay đóng góp 65% tổng thu ngân sách tỉnh, trong đó nổi bật là khu phức hợp nhà máy cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải (chỉ tính trong 5 năm 2016-2020 đóng góp ngân sách của THACO là 43.122 tỉ đồng, chiếm 42% số thu nội địa của tỉnh).

Mũi đột phá về phát triển dịch vụ, trọng tâm là du lịch, đã có bước nhảy vọt về số lượng và chất lượng. Từ khi Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, ngành kinh tế không khói chuyển động mạnh mẽ với đầu tư cơ sở du lịch nhất là ở khu vực ven biển. Ngoài Hội An, Điện Bàn, trên vùng Đông hiện có 12 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được cấp phép, phần lớn thuộc Thăng Bình, Duy Xuyên. Nổi bật như dự án Khu du lịch Vinpearl, Hoiana và dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (diện tích 985 ha, tổng vốn đăng ký 4 tỉ USD).

Có thể khẳng định rằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ là quyết sách có ý nghĩa chiến lược đưa Quảng Nam vươn lên để có quy mô nền kinh tế ngày càng lớn (năm 2019 đạt đỉnh 99.000 tỉ đồng, nay ở mức khoảng 95.000 tỉ đồng), bước vào hàng ngũ 16 tỉnh, thành của cả nước có điều tiết ngân sách về trung ương. Điều quan trọng không kém là nhờ công nghiệp, dịch vụ phát triển, nhiều nhà máy mọc lên thu hút hàng chục vạn lao động, chuyển dịch lao động qua lĩnh vực phi nông nghiệp để cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo (thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 63 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 5%).

Cầu Cửa Đại, điểm nhấn giao thông vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: H.Đ

Giao thông đồng bộ, đô thị hiện đại

Đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội là điểm sáng, làm nên diện mạo khang trang của Quảng Nam gần như khác hẳn hồi mới tái lập tỉnh. Ngoài phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, nét nổi trội là kết nối mạng lưới giao thông và xây dựng chuỗi đô thị.

Giao thông đã kết nối trục Bắc - Nam, ngoài việc mở rộng quốc lộ, có hàng loạt đường mới mở, từ đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đến đường cao tốc và đường dọc biển nối tuyến với các tỉnh, thành. Còn trục Đông - Tây có nhiều tuyến đường kết nối vùng ven biển lên các huyện miền núi, lên Tây Nguyên, hay đã đến cửa khẩu quốc tế qua Lào. Ngoài các trục chiến lược, nét đặc biệt là Quảng Nam đã có mạng lưới giao thông nông thôn phủ khắp địa bàn. Những con đường nắng bụi mưa bùn đến các trung tâm huyện, xã đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, thử đi về 118 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, sẽ thấy đường làng ngõ xóm được kiên cố hóa, nhiều nơi làm đường hoa tươi sắc bốn mùa.

Hạ tầng giao thông và ngành logistics sẽ có dấu nhấn mạnh mẽ khi sân bay Chu Lai được đầu tư nâng cấp (4F), thành cảng hàng không quốc tế, công suất vận chuyển 10 triệu khách/năm và đầu mối logistics lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cạnh đó, cảng biển Tam Hiệp được đầu tư nạo vét để đón được tàu 5 vạn tấn.

Cảng biển Tam Hiệp (Chu Lai). Ảnh: H.Đ

Công cuộc đô thị hóa đã thay đổi diện mạo rất lớn của Quảng Nam, để đến nay có 15 đô thị từ hạng IV đến hạng II. Tam Kỳ và Hội An lên thành phố, Điện Bàn lên thị xã và hầu hết trung tâm huyện lỵ đều hình thành thị trấn. Thương hiệu đô thị bước đầu đã tạo được nét riêng. Như Tam Kỳ được Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng giải thưởng "Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015". Hội An đứng đầu 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới (theo bảng xếp hạng những thành phố hàng đầu trong mắt du khách của tạp chí Travel and Leisure). Phố cổ Hội An được vinh danh trong danh sách 13 thành phố đẹp như tranh tại châu Á do kênh CNN bình chọn.

Sẽ không thể điểm hết những thành quả trên con đường xây dựng và phát triển Quảng Nam sau một phần tư thế kỷ. Điều làm nên dáng vóc đẹp hơn của vùng đất mở, là nhờ ở khí chất con người xứ Quảng mang khát vọng tiếp nối truyền thống Duy tân luôn trăn trở suy tư tìm quyết sách, cách làm mới với nỗ lực không ngừng. Và từ thế đứng hôm nay hy vọng Quảng Nam tự tin bước đến tương lai giàu có, phồn vinh!

Nhiều nhà máy lớn, đại dự án "đóng đô"

Trong 5 năm qua, trên địa bàn Quảng Nam có nhiều dự án sản xuất - kinh doanh quy mô lớn được đầu tư và đi vào hoạt động như: Nhà máy nước giải khát (56 triệu USD); Nhà máy bia Việt Nam BVL (72 triệu USD); Panko Tam Thăng (70 triệu USD); Nhà máy Bus Thaco (7.000 tỉ đồng); Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp (500 tỉ đồng); Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl (4.800 tỉ đồng); Khu du lịch Nam Hội An, Hoiana...

NGUYỄN HỮU ĐỔNG