Đại học Hoa Sen mở ngành Kinh tế thể thao

Lễ ra mắt ngành học mới - Kinh tế thể thao của Đại học Hoa Sen năm 2021. Ảnh: VGP/Minh Thi

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế thể thao cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời rèn luyện thái độ nghề nghiệp để người học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thể thao.

Sinh viên sẽ được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn để hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại; biết về cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực kinh tế thể thao; vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao; phân tích nhu cầu của các bên liên quan bao gồm: Khách hàng, đối tác, nhà tài trợ, nhà cung cấp…; đánh giá cơ hội và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế thể thao; lập kế hoạch kinh doanh, quản lý các mô hình hoạt động kinh tế thể thao…

Với chương trình đào tạo 3,5 năm và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế thể thao có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thể dục thể thao (TDTT), trường học, trung tâm TDTT, câu lạc bộ TDTT…

TS. Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Hoa Sen cho biết, nhà trường chú trọng 3 hướng ngành Kinh tế thể thao trong Chương trình đào tạo, bao gồm: Quản lý loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khỏe và quản trị truyền thông, Marketing thể thao.

Trong các hoạt động TDTT ở Việt Nam, bài toán kinh tế luôn là một đòi hỏi hết sức cấp thiết. Ngoài các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, nhà quản lý TDTT... thì rất cần một lực lượng nhân sự không nhỏ, đó là các chuyên gia kinh tế thể thao. Cho dù các trường Đại học của ngành TDTT đều có Khoa Quản lý TDTT nhưng về cơ bản mới chỉ cung cấp được các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự là về kinh tế mang tính đặc thù của TDTT.

Vì vậy, chương trình học cử nhân Kinh tế thể thao của Đại học Hoa Sen sẽ đào tạo nên những chuyên gia kinh tế thể thao - là những người tính được các bài toán kinh tế trong thể thao.

Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhận định, văn hóa và thể thao là các ngành không sản xuất mà kết quả lao động lại là các dịch vụ nhằm đáp ứng việc duy trì và phục hồi sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần cho mỗi cá nhân. Ngoài ra, trong lĩnh vực TDTT còn có những cơ sở sản xuất ra các thiết bị thể thao, dụng cụ thể thao, quần áo, giày, găng tay, những sản phẩm tăng cường như thực phẩm chức năng, nước uống, sữa…

Với sự kiện mở ngành Kinh tế thể thao, Đại học Hoa Sen tiếp tục khẳng định là đơn vị tiên phong đào tạo các ngành mới, đón đầu xu thế và nhu cầu, đón đầu xu thế và nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp ở thị trường kinh tế Việt Nam.

Minh Thi