Đại biểu Quốc hội: Đừng để cháy lại mới rốt ráo rút kinh nghiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Theo bà Nga, đây không phải lần đầu xảy ra ụ cháy thương tâm tại Hà Nội. Cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận rất nhiều. Tuy nhiên, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn thành phố Hà Nội thì đây là một việc rất khó bởi các khu chung cư mini, các khu nhà trọ rất nhiều.

“Nếu chúng ta xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không được cho thuê trọ nữa thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Đầu tiên là tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư. Thứ hai quan trọng hơn là nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong những khu nhà trọ này sẽ đi đâu về đâu?,” bà Nga bày tỏ băn khoăn.

Mặc dù vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định cần phải có giải pháp quản lý, không thể buông lỏng. Theo bà, trong những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều quan trọng hiện nay là rà soát và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể dựa vào một phương án hay công thức chung.

Ví dụ với những loại hình cho thuê trọ chật hẹp nhiều tầng, nhà trọ trong ngõ sâu, xe chữa cháy không vào được thì phải kiểm tra kết cấu. “Phần lớn các nhà bị cháy gây tử vong lớn là do không có lối thoát, không có lối thoát hiểm. Vì vậy, các nhà cho thuê phải đảm bảo ít nhất phải đảm bảo được lối thoát hiểm, để khi có tai nạn, cháy nổ xảy ra thì người ở trong nhà có thể nhanh chóng thoát hiểm,” bà Nga nói.

Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Việc chấn chỉnh ý thức rất quan trọng

Nhấn mạnh công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ bà có cảm nhận những việc này chỉ làm rốt ráo mỗi khi có một vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, sau đó nó lại bị trôi đi. Bà cho rằng việc tập huấn hằng năm, đặc biệt về ý thức con người rất quan trọng.

Theo thống kê thì có rất nhiều các vụ cháy xảy ra là do sự chủ quan, do những hành vi của con người từ việc không ngắt các thiết bị điện, ở lẫn với lại những loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ, sử dụng các thiết bị điện không đúng quy chuẩn...

"Tất cả những điều này đều là nguyên nhân dẫn đến cháy và đều tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn, nhưng nhiều khi người dân cũng không nghĩ rằng đây là nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn. Chỉ khi xảy ra tai nạn chúng ta mới lại rốt ráo đi tìm bài học kinh nghiệm và rút kinh nghiệm. Ngay lúc này, việc chấn chỉnh ý thức rất quan trọng,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, bà Nga cho rằng liên quan đến một loạt các luật của Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đó là phát triển nhà ở xã hội. Theo bà, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê. Ngoài ra, việc rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô à Nội cũng là một giải pháp căn cơ, giúp giảm tải được một phần nào áp lực lên các khu nhà trọ.

Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu tới hiện trường vụ cháy. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Vụ cháy trong ngõ 119 Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vào khoảng 0h30 sáng 24/5, tại ngôi nhà trọ 5 tầng. Vụ cháy khiến 14 người tử vong.

Mở đầu buổi làm việc sáng 24/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân; đồng thời đề nghị Bộ Công an, UBND Thành phố Hà Nội và các lực lượng chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, đội ngũ bác sĩ và lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại cơ sở.

Đinh Nhung