Cuộc đời nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt được kể bằng rap

Thành Thăng Long thuở ấy là một vở kịch lịch sử mới công diễn của Sân khấu Thế giới trẻ. Vở kịch được NSND Giang Mạnh Hà dựng từ kịch bản của nhà văn Chu Thơm xoay quanh cuộc đời và số phận của Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng đế duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Để làm mới đề tài lịch sử, tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ vốn đang có rất nhiều lựa chọn giải trí, Thành Thăng Long thuở ấy đã đưa rap vào nội dung kịch. Không ai nghĩ rằng rap - dòng nhạc xuất phát từ những năm 1970 ở Mỹ - một ngày lại trở thành phương cách để nghệ sĩ Việt kể về sử Việt, lại là sử cách nay đến 800 năm.

NSND Hoàng Yến (ngoài cùng bên phải) trong vai Lý Chiêu Hoàng.

Kể sử bằng nhạc rap thời thượng

Thành Thăng Long thuở ấy là cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Những nhân vật lịch sử không thể thiếu là Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Thuận Thiên công chúa. Nhưng để mới mẻ hơn về mặt nội dung, tác giả kịch bản đã xây dựng thêm hai nhân vật trong vai trò người chép sử của hoàng triều, một già và một trẻ.

Hai người viết sử sống trực tiếp trong cung, được quyền nghe những buổi họp bàn, được chứng kiến những âm mưu, thủ đoạn, những cuộc giằng co và chèn ép quyền lực. Người viết sử già đã hiểu lẽ đời, đã thấy được những hiểm nguy của người viết lên sự thật, còn người trẻ có cả mộng mơ, lẫn lo sợ, vừa muốn làm tròn trách nhiệm với sử lại vừa e sợ "đầu trên cổ chẳng còn".

Dù không đóng bất cứ vai trò nào trong những tình tiết kịch, cũng không tương tác với các nhân vật khác trong vở, hai người viết sử lại xuất hiện trong nhiều cảnh và trở thành điểm nhấn nội dung. Riêng người viết sử trẻ còn đưa ra những lời bình sử nhưng không phải bằng thoại thông thường mà bằng nhạc rap.

Với flow (nhịp rap) truyền thống và cơ bản, người viết sử trẻ đã bày tỏ tâm tư, góc nhìn của mình về thời cuộc bằng rap. Khi lịch sử qua lăng kính của rap, nhiều khán giả trực tiếp xem vở diễn trong buổi công diễn đã bật cười.

Âm nhạc từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong những vở kịch Việt nhưng chủ yếu là những bản pop, opera, dân ca hoặc nhạc trữ tình. Đây là lần hiếm hoi một vở kịch lịch sử đã chọn rap làm chất liệu âm nhạc và giao hẳn cho một nhân vật trong kịch đảm đương.

Nhân vật Trần Thủ Độ trong vở kịch.

Bi kịch của Lý Chiêu Hoàng

Từng có một vở kịch kinh điển mang tên Rừng Trúc với diễn xuất của NSND Lê Khanh trong vai Lý Chiêu Hoàng. Vở kịch này cũng nói về những năm tháng cuối cùng của nhà Lý và sự khởi đầu của nhà Trần. Song, nhiều năm qua, Rừng Trúc không còn diễn lại dù đây là vở kịch được nhiều khán giả yêu thích, giới phê bình đánh giá cao một thời.

Trên cùng một cốt sử, Thành Thăng Long thuở ấy với kịch bản Chu Thơm, đạo diễn Giang Mạnh Hà và diễn xuất của nữ chính NSND Hoàng Yến trong vai Lý Chiêu Hoàng đã đưa câu chuyện về Lý Chiêu Hoàng trở lại đời sống kịch.

Nội dung Thành Thăng Long thuở ấy tập trung vào số phận và vai trò của những người đàn bà trong biến thiên của thời cuộc. Lý Chiêu Hoàng được đưa lên ngôi trong một nước cờ của nhà Trần, trong khi nhà Lý không thể có một lựa chọn khác.

Lý Chiêu Hoàng sau đó buộc phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, khép lại nhà Lý và mở ra nhà Trần. Tình yêu giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là thật nhưng lịch sử và tham vọng quyền lực gia tộc đã không cho đôi uyên ương được quyền hạnh phúc.

Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh khi đó đã là Trần Thái Tông, phải phế ngôi hoàng hậu của Lý Chiêu Hoàng để lấy Thuận Thiên công chúa khi đó đang mang thai con của Trần Liễu. Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm công chúa, sau đó được chồng gả cho tướng Lê Chân.

Vở kịch xoáy sâu vào diễn biến tâm lý của Lý Chiêu Hoàng, bao gồm cả tình yêu với Trần Cảnh và nỗi niềm với nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng hiểu tận đáy tâm can của Trần Thủ Độ. Cảnh nhân vật đối mặt với Trần Thủ Đô, vạch rõ nhưng âm mưu và tham vọng của vị thái sư là một trong những chi tiết hấp dẫn của vở kịch.

Lý Chiêu Hoàng cũng đối chất với mẹ ruột của mình là Trần Thị Dung, không giấu sự oán trách đối với mẹ. Nhân vật Trần Thị Dung từng là hoàng hậu của nhà Lý, được Lý Huệ Tông hết mực yêu thương, thậm chí ra sức bảo vệ khi Đàm Thái hậu muốn hãm hại.

Tuy nhiên, Trần Thị Dung lại phụ nhà Lý và nặng lòng với nhà Trần. Trần Thị Dung sau này lấy Trần Thủ Độ là kẻ thù của nhà Lý. Bà cũng là người góp phần ép Trần Cảnh bỏ Lý Chiêu Hoàng, ép Lý Chiêu Hoàng nhường chồng cho chị gái. Một người mẹ hẳn nhiên phải nhận sự phẫn uất của hai người con gái vì hành động tàn nhẫn, chà đạp lên mọi tình cảm, luân lý.

Song, vở kịch cũng cho Trần Thị Dung được nói tiếng nói của lòng mẹ, rằng bà đã nhận ra lầm lỗi của mình và thực sự cũng có nỗi khổ riêng khó giãi bày. Một người đàn bà họ Trần trước sóng giờ thời cuộc buộc phải chọn dòng họ là máu thịt của mình: họ Trần, và vun vén cho quyền lực của dòng tộc.

Lý Chiêu Hoàng mang những bi kịch của thời đại.

Cái hay của vở kịch là kết lại trong sự hòa giải. Lý Chiêu Hoàng bỏ qua cho cả Trần Thủ Độ lẫn Trần Thị Dung. Oán thù phần nào được hóa giải. Trần Thủ Độ tàn nhẫn, tham vọng nhưng ông cũng là người góp công cho cuộc chuyển giao triều đại cần phải có. Bởi lẽ, nhà Lý khi đó đã như con thuyền mục, không thể nào cứu chữa, Đại Việt muốn hưng thịnh buộc họ Trần phải nắm lấy cơ đồ.

Trần Thủ Độ không vun vén quyền lực cá nhân, ông thực tế là người có trách nhiệm với dòng tộc của mình, cũng là với xã tác đương thời. Trần Thủ Độ do vậy không thể là một nhân vật phản diện hoàn toàn. Xét ở khía cạnh nào đó, ông luôn là một công thần, với nhà Trần và lịch sử.

Thành Thăng Long thuở ấy đã tái hiện lịch sử một thời, tái hiện lại những nỗi niềm và suy tư của những người đàn bà vốn tưởng chỉ là vai phụ hậu cung nhưng đã thành nhân tố chính trong sóng giờ thời cuộc.

Thiết kế sân khấu đơn giản nhưng vẫn có sự chuyển động tạo nên một sân khấu linh động, bên cạnh âm nhạc là điểm nhấn. Tuy vậy diễn xuất và đài từ của các diễn viên lại là điểm trừ. Phần lớn thoại không ra được chất quyền uy của vua, của hậu. Trong dàn diễn viên, người đóng vai Trần Thủ Độ là điểm sáng.

Trạng phục cũng là điểm trừ của vở kịch. Song, trong bối cảnh sân khấu kịch thưa vắng khán giả, nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc dựng kịch lịch sử vẫn đáng được ghi nhận. Đó là nỗ lực để khán giả thấu hiểu hơn sử Việt và những nỗi niềm từ quá khứ.

Quang Đức