Cùng hành động vì an toàn thực phẩm

Nhờ đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp như hiện nay thì yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm càng bức thiết hơn bao giờ hết; đòi hỏi nhiều giải pháp, sự vào cuộc của cả cộng đồng và hệ thống chính quyền, bộ, ngành các cấp.

Khách mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dù Việt Nam được đánh giá cao trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp và nguy cơ còn cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải khác với giai đoạn trước đây. Chẳng hạn, trước đây, một cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm càng đông khách càng tốt, nhưng trong tình hình hiện nay cần hạn chế tụ tập đông người; các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trước đây ngồi sát nhau thì nay nên bố trí ăn theo ca…

Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vừa phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa phải nghiêm túc thực hiện tất cả hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, thực phẩm…

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, dịch COVID-19 đã làm thay đổi phương thức kinh doanh. Nếu trước đây phần lớn người mua và người bán giao dịch trực tiếp với nhau thì nay đã có thêm hình thức giao dịch trực tuyến. Việc mua hàng trực tuyến đang được nhiều người lựa chọn bởi những tiện ích như: Giao hàng nhanh chóng, mặt hàng phong phú, tiết kiệm thời gian… Tuy nhiên, lợi dụng các hình thức này, một số tổ chức, cá nhân đã có hành vi kinh doanh, quảng cáo “online” sai quy định, vi phạm pháp luật, nhất là trên mạng xã hội.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, trước thực tế đó, Cục đã cùng với Cục Phát thanh, truyền hình làm việc trực tiếp với Facebook để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật. Cục An toàn thực phẩm cũng kết hợp cùng các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý những quảng cáo không đúng sự thật, nhất là trên các sàn giao dịch điện tử. Theo đó, lĩnh vực thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý, như khối doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm thì Cục An toàn thực phẩm xử lý; đối với quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội thì Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý...

Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo xuyên biên giới, nhất là máy chủ đặt ở nước ngoài hiện vẫn khó giải quyết. ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ một nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo mới, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ hơn. Hy vọng tới đây, việc quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo xuyên biên giới, sẽ hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn

Để góp phần kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, trong Chiến lược đảm bảo an toàn thực phẩm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai Đề án phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án được triển khai trong giai đoạn 2015-2020. Sau 5 năm triển khai, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và phát triển được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Các sản phẩm chủ lực như: Thủy sản, rau, thịt, lúa, gạo, sữa, trứng… đều có những chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Đề án. Việc tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi nhằm đảm bảo tất cả các khâu, từ khâu giống đến sản xuất ban đầu, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bán buôn, bán lẻ và kể cả đến khi chế biến tại gia đình đều được an toàn.

Hiện tại, Đề án đã kết thúc, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì tham mưu xây dựng Đề án giai đoạn 2 với mục tiêu nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và phát triển bền vững. Giai đoạn hai sẽ tiếp tục củng cố, phát triển chuỗi này theo hướng vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa gia tăng chất lượng, các chỉ số chất lượng để các chuỗi cung ứng này trở thành những chuỗi giá trị.

Lý giải về sự khác nhau giữa các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, chuỗi cung ứng là liên kết bền vững giữa khâu trước và sau, đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ các khâu dẫn đến sản phẩm cuối cùng được an toàn. Chuỗi giá trị không những liên kết khâu trước và khâu sau đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn phải ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm tại công đoạn đó. Những chuỗi giá trị này không chỉ nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến gia tăng xuất khẩu, tiến đến gia tăng thu nhập cho người nông dân. Đó là kết quả đã đạt được và sẽ định hướng trong thời gian tới.

Đồng bộ các giải pháp

Trong Chiến lược bảo đảm an toàn thực phẩm của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm có xác định rõ công tác thông tin, giáo dục truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải ưu tiên đi trước một bước trong tất cả các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn mới, công tác truyền thông cần tập trung truyền thông thay đổi hành vi, bao gồm: thói quen, phong tục, tập quán của người dân trong chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; tăng cường tuyên truyền các mô hình tốt như: Mô hình Vietgap, mô hình chuỗi liên kết, các sản phẩm nông sản xuất khẩu, các nhà máy được chứng nhận GMP, CPI...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản Nguyễn Như Tiệp, sản xuất ở người nông dân và các cơ sở nhỏ lẻ thường là nơi sử dụng các chất cấm nhằm làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Do vậy công tác tuyên truyền phải tập trung vào các đối tượng này để truyền thông, giáo dục giúp họ hiểu và không lạm dụng; đồng thời tập huấn kỹ thuật, chuyển giao cách làm để họ có thể sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng và bán được giá. Khi sinh kế của người nông dân được gia tăng, đương nhiên họ sẽ đảm bảo sản phẩm, không lạm dụng những yếu tố mất an toàn.

Để các đối tượng “không thể, không dám” vi phạm về an toàn thực phẩm theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cần thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo Luật Hình sự về tội vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm về sản xuất thực phẩm giả. Nước ta đảm bảo đủ chế tài xử lý răn đe các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh những giải pháp kể trên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được tăng cường triển khai, trong đó UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp tỉnh, các sở, ngành ở địa phương có vai trò vô cùng quan trọng.

Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới có nhiều chuyển biến tích cực rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng, các cấp chính quyền địa phương; sự tuân thủ pháp luật của các cơ sở xản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và sự đồng lòng, chung sức của tất cả người dân...

Minh Huệ (TTXVN)