Cử tri mong vấn đề việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường được quan tâm

Ngày 10/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại 2 huyện: Châu Thành và Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên ĐBQH cũng đã lắng nghe hơn 16 ý kiến liên quan đến các vấn đề: An ninh biên giới, giáo dục, tiêu thụ hàng hóa nông sản, việc làm, đầu tư hạ tầng giao thông,... của các cử tri gửi đến các ứng cử viên ĐBQH khóa XV.

Cử tri Phan Chí Công, ngụ xã Đông Phước, huyện Châu Thành cho biết, đa số dân mình hiện nay vay tiền đầu tư cho con em để đi học, nhưng khi ra trường không có công ăn việc làm khiến cuộc sống rất khó khăn dẫn đến tình trạng nghèo.

Cử tri Công mong Quốc hội quan tâm để giảm tình trạng thất nghiệp cũng như nguồn nhân lực của đất nước bị suy giảm.

Cùng vấn đề này, cử tri Lê Thúy Hằng cho biết, tình trạng học sinh, sinh viên đã đào tạo kiến thức từ trong nhà trường nhưng khi ra trường chưa có công việc, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các vị ĐBQH khóa này trúng cử cần quan tâm phản ánh đến Quốc hội không bỏ phí chất xám từ nguồn nhân lực này.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành.

Cử tri Giao Hữu Duy, ngụ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A cho biết, thực trạng tại vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Hậu Giang) hạ tầng giao thông chưa phát triển, xứng tầm để liên kết với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, vì vậy đề xuất với Quốc hội quy hoạch đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 61 hiện nay đã quá tải, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn và đầu tư hệ thống thoát nước tuyến Quốc lộ 1A để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như lưu thông hàng hóa được dễ dàng.

Trả lời một số ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, kết cấu đầu tư hạ tầng giao thông ở vùng ĐBSCL chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Trung ương rất quan tâm đến vấn đề này để đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân chưa đáp ứng như nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề, trái cây có thương hiệu của huyện Châu Thành chưa xuất khẩu đi được nước nào. Trong khi đó, Sơn La là tỉnh mới nhen nhóm 10 năm trở lại đây nhưng đã có 78.000 ha cây ăn trái, đứng thứ nhì cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Sơn La có 16 sản phẩm trái cây xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới.

Lãnh đạo huyện Châu Thành A và huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang nên học tập kinh nghiệm ở tỉnh Sơn La đem ứng dụng về cho địa phương nhằm tăng giá trị nông sản của người nông dân.

Phú An