CSGT Hà Nội: Xử lý vi phạm nồng độ cồn xuyên đêm, xuyên Tết

Xuyên đêm, xuyên Tết làm nhiệm vụ

Có một đặc thù là những dịp lễ, Tết, khi người dân được nghỉ ngơi, vui chơi thì lực lượng CSGT phải ứng trực hầu như toàn bộ quân số để đảm bảo việc đi lại của nhân dân thông suốt, an toàn. Tết năm nay đặc biệt hơn mọi năm, theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT cần làm việc không nghỉ, “xuyên đêm, xuyên Tết” đảm bảo TTATGT trên toàn tuyến. Dù đây đó vẫn có những tâm tư, nhưng rồi các cán bộ, chiến sĩ cũng gác lại cảm xúc riêng để miệt mài trên từng con đường, góc phố.

Lực lượng CSGT Thủ đô xuyên đêm, xuyên Tết kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSGT CATP à Nội là tăng cường cắm chốt, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc uống rượu bia. Vào những dịp Tết đến, xuân về, người dân thường có thói quen chúc tụng, thậm chí ép nhau quá chén. Khi đã uống say, không làm chủ được bản thân nên tham gia giao thông nhiều người đã gây ra những vụ tai nạn rất nghiêm trọng, để lại hậu quả đau lòng.

Gần 2 năm trở lại đây, khi lực lượng CSGT kiên quyết xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, nhiều người đã hình thành ý thức đã uống rượu bia thì không lái xe. Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: “Xử lý vi phạm nồng độ cồn khá phức tạp, nhất là dịp đầu xuân. Năm mới chẳng ai muốn gặp “xui xẻo” nên cán bộ thực thi nhiệm vụ khi tiếp xúc với quần chúng nhân dân vừa phải khôn khéo, vừa cương quyết, để làm sao người vi phạm nhận thức được hành vi của mình cũng như ủng hộ việc xử lý của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”.

Với vai trò chủ công, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, đôn đốc công an các quận, huyện, thị xã tập trung cao độ, nắm bắt tình hình thực tế, cắm chốt, thậm chí thay đổi khung giờ phù hợp để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông nhưng trước đó đã uống rượu bia.

Trung tá Bùi Chí Hùng - Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy phân tích: “Thông thường lực lượng chức năng sẽ kiểm tra vào các khung giờ từ 12h-14h, 18h-20h và 22h-24h. Tuy nhiên, vào dịp Tết, mọi người đi lại không theo giờ giấc như ngày thường, có thể gặp đâu ăn đấy hay làm vài ly chúc tụng rồi mới về. Vì vậy, chúng tôi phải tăng cường kiểm tra vào tất cả các khung giờ. Dù biết như vậy sẽ vất vả hơn cho cán bộ, chiến sĩ, nhưng sẽ nâng cao công tác phòng ngừa tai nạn giao thông do uống rượu bia gây ra”.

Còn theo Đại úy Phạm Đức Ngọc - Đội phó Đội CSGT-TT Công an quận Hai Bà Trưng, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, đơn vị đã bố trí thêm chốt tại các khu vực trọng điểm để kiểm tra lái xe với yêu cầu “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”.

Trước Tết Nguyên đán, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng và UBND các phường để phát tờ rơi, yêu cầu các nhà hàng kinh doanh ăn uống chấp hành việc dán các khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không lái xe” tại cơ sở của mình; nhắc nhở khách hàng chấp hành quy định khi tham gia giao thông; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền đến các trường học trên địa bàn, các khu dân cư, tổ dân phố. Ngoài ra, đối với các trường hợp người dân đến đăng ký mới cho phương tiện, Công an quận Hai Bà Trưng cũng dán các logo tuyên truyền “Đã uống rượu bia, không lái xe” lên các phương tiện này. “Dù xuyên đêm, xuyên Tết làm nhiệm vụ, nhưng sau khi kết thúc kỳ nghỉ chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc bình thường với tinh thần và trách nhiệm cao nhất…” - Đại úy Phạm Đức Ngọc nhấn mạnh.

Ngăn chặn trên tất cả các luồng, tuyến, không để xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân lái xe uống rượu bia

Xử lý mạnh, “không vùng cấm”

Chỉ huy Phòng CSGT thông tin, không chỉ riêng lực lượng CSGT, các Tổ công tác 141 của CATP Hà Nội cũng được huy động 100% quân số để “rải” dọc các tuyến, địa bàn trọng điểm, hay tăng cường 7 kiểm tra dọc các quốc lộ. Mục tiêu là ngăn chặn trên tất cả các luồng, tuyến, không để xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân lái xe uống rượu bia. Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý đối với tất cả các trường hợp vi phạm khi điều khiển phương tiện, bất kể người vi phạm thuộc đối tượng nào...

Đa số người tham gia giao thông hiện nay đều có nhận thức đúng đắn và ủng hộ lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, lực lượng CSGT vẫn gặp phải một số khó khăn như: Một vài trường hợp do đã sử dụng rượu bia, tâm lý không vững vàng, khả năng điều chỉnh hành vi bị hạn chế dẫn đến kích động, mất tự chủ, không hợp tác với lực lượng chức năng. Cá biệt, một số đối tượng có những lời nói lăng mạ, chửi bới, thậm chí xô đẩy, tấn công cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ khi nhận được yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Không ít trường hợp khi nhìn thấy tổ công tác lập tức quay đầu xe bỏ chạy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân lái xe.

Cũng có trường hợp sử dụng những mánh khóe như súc miệng bằng Listerine hay một số loại dược phẩm nhằm qua mặt lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả những “chiêu trò” đối phó này đều bị phát hiện. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, người dân lại trở về Thủ đô để học tập, làm việc theo guồng quay cuộc sống thường nhật. Song, không khí Tết vẫn còn đó, nhiều người lại tham gia vào các cuộc tiệc tùng đầu xuân. Việc tổ chức các buổi liên hoan, tiệc tùng như vậy cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao khi họ đã sử dụng rượu bia nhưng sau đó vẫn lái xe.

Xuyên Tết không nghỉ, lực lượng CSGT Thủ đô tiếp tục bám đường, kiên quyết không để người vi phạm gây ảnh hưởng tới TTATGT. Ngay trong ngày đầu tiên khi người dân trở lại làm việc, toàn thành phố đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 134 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đây là con số cao nhất kể từ khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết). Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày “Vía thần tài”, nhiều người dân cũng vin vào cớ chúc nhau may mắn để uống rượu. Chỉ trong 1 giờ, tổ công tác của Phòng CSGT đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp này khi bị phát hiện đều đưa ra lý do “uống một chút nhân ngày vía thần tài” để xin bỏ qua, nhưng không thành.

Ví dụ, trường hợp lái xe N.V.L (trú tại quận Cầu Giấy) được phát hiện lái xe trong trạng thái không tỉnh táo. Kết quả đo kiểm tra xác định người này vi phạm ở mức 0,068 mg/l khí thở. Lái xe thừa nhận có tham gia tiệc đầu năm cùng đồng nghiệp và uống bia, sau đó bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt số tiền 2,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Hay như trường hợp lái xe H.H (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển ô tô mang BKS: 30H-066.xx vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.041mg/l khí thở, không xuất trình được giấy phép lái xe. Lái xe thừa nhận có uống rượu cùng đồng nghiệp để “lấy may trong ngày vía thần tài”. Với lỗi vi phạm trên, lái xe bị xử phạt số tiền 7 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời gian 11 tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như hiện nay là quá nặng. Nhưng họ quên rằng, số tiền nộp phạt dù nặng nhưng sẽ chẳng là gì so với hậu quả để lại nếu có tai nạn xảy ra. Lúc đó, bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không thể bù đắp với những mất mát. Và có lẽ, cũng không thể kể hết những hy sinh, vất vả của lực lượng CSGT - những người đã góp phần làm nên một mùa xuân trọn vẹn cho người dân Thủ đô.

Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội

Việc giải quyết vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo TTATGT mà còn góp phần kiềm chế, triệt tiêu nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm pháp luật