Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index tăng 23 điểm

Thị trường chứng khoán về cuối phiên 22/7 càng diễn biến khả quan, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua. Đà tăng các chỉ số được nới rộng khi lực cầu dâng cao, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh.

VN-Index kết phiên tăng gần 23 điểm (1,8%) lên 1.294 điểm. Toàn sàn HoSE có 308 mã tăng giá (trong đó có 20 cổ phiếu tăng trần), chiếm áp đảo so với 79 mã giảm giá. Riêng nhóm VN30 tăng gần 22 điểm (1,56%) trong hôm nay với 29/30 mã tăng giá.

Cổ phiếu bất động sản trở thành nhóm dẫn dắt thị trường khi bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup đóng góp lớn nhất gần 5 điểm vào mức tăng chung của chỉ số. Trong đó VIC kết phiên tăng 2,1% lên 106.200 đồng/cổ phiếu và VHM tăng 2,8% lên 111.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra hàng loạt mã bất động sản khác tăng kịch trần như: KDH, BCM, DIG, IJC, CRE, SCR, CEO… Nhà đầu tư đang kỳ vọng lãi suất ngân hàng giảm sẽ giúp một phần dòng tiền có thể chảy vào bất động sản.

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng trần. Bảng giá: Chứng khoán SSI.

Nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân giúp thanh khoản sàn HoSE được cải thiện đáng kể đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tuy nhiên đây vẫn là mức thấp so với bình quân tỷ USD tháng 6. Nếu trừ giao dịch thỏa thuận, sàn HoSE khớp lệnh khoảng 15.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.744 tỷ đồng trong hôm nay, ngược lại bán ra 1.237 tỷ đồng, tương đương với giá trị bán ròng hơn 500 tỷ đồng. Lực bán ròng tập trung vào cổ phiếu VIC với giá trị gần 430 tỷ và KDH là 130 tỷ đồng.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên 22/7. Đồ thị: TradingView.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng 22/7 vẫn với tâm thế thận trọng, các chỉ số chính nhanh chóng lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên lực bán suy yếu trong khi lực cầu dâng cao giúp các chỉ số nhanh chóng lấy lại sắc xanh.

Càng về cuối phiên sáng chỉ số càng diễn biến tích cực. Chỉ số VN-Index tạm dừng giữa ngày tăng hơn 13 điểm (1,04%) lên 1.284 điểm với số mã tăng giá chiếm áp đảo. Tương tự khi chỉ số sàn HNX tăng 0,9% và sàn UPCoM có mức tăng 1,04%.

Sắc xanh lan tỏa ở hầu hết nhóm ngành. Trong đó ngành bất động sản đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index với gần 5,5 điểm, kế đến là nhóm ngân hàng, hóa chất, sản xuất thực phẩm...

Dòng tiền của nhà đầu tư vẫn tỏ ra lưỡng lự bất chấp xu hướng tăng điểm, thanh khoản phiên sáng vẫn tiếp tục ở mức thấp với hơn 10.800 tỷ đồng. Giá trị giao dịch khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng nhẹ 1% lên khoảng 7.900 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng trước giờ trưa.

Đà phục hồi của thị trường trong nước cũng nhận được hiệu ứng từ thông tin quốc tế. Thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục tốt trong 2 phiên gần nhất đang giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones tăng 286 điểm hôm qua và chỉ cách vùng đỉnh lịch sử chưa đầy 1%. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,82% và đóng cửa ở 4.359 điểm. Nasdaq thêm 0,92% và kết phiên ở 14.632 điểm.

Chứng khoán MB nhận định thị trường vẫn đan xen tăng/giảm ở những phiên vừa qua, mặc dù thanh khoản xuống thấp nhưng độ rộng vẫn tích cực nên tín hiệu kỹ thuật không phải là xấu. VN-Index đang cố gắng lấy lại ngưỡng MA100 và kịch bản tích cực lúc này là dao động trong vùng trading giữa MA100 và MA50 trước khi có xu hướng mới.

Theo Chứng khoán BIDV, thanh khoản thị trường suy yếu với độ rộng thị trường ở trạng thái trung lập vẫn cho thấy VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong vùng 1.250-1.300 điểm. Chứng khoán Rồng Việt tin rằng VN-Index sẽ tiếp tục thăm dò vùng 1.270 điểm trong 1-2 phiên tới, nếu áp lực bán vẫn duy trì ở mức thấp thì chỉ số sẽ có cơ hội tiếp tục hồi phục.

Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sự vận động của dòng tiền trong một số phiên tới, cùng với bối cảnh chung của thị trường tài chính quốc tế để có thể kịp thời tận dụng cơ hội ngay, khi mặt bằng giá trên thị trường ổn định với biên độ dao động trong phiên thu hẹp hơn, hoặc nếu thị trường xuất hiện thêm các phiên đảo chiều tăng điểm mới với thanh khoản bùng nổ.

Huy Lê