Chuyển khát vọng thành động lực để hiện thực hóa quy hoạch Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ công bố quy hoạch Đà Nẵng.

Những dự án ưu tiên để cụ thể hóa quy hoạch

Chia sẻ về các nội dung để triển khai quy hoạch, Phó chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2021-2030 Đà Nẵng cần khoảng 800 nghìn tỷ đồng để đầu tư các chương trình, dự án. Theo đó, các dự án được ưu tiên đầu tư tập trung vào các lĩnh vực về hạ tầng giao thông như cảng Liên Chiểu, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế, di dời ga đường sắt, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B, công trình qua sông Hàn, tàu điện ngầm tốc độ cao, đường sắt nhẹ đô thị. Các dự án về thương mại, dịch vụ như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm mua sắm Outlet, dự án phát triển du lịch khu vực Hải Vân, Sơn Trà, các khu thương mại tự do, khu phi thuế quan.

Các dự án tổ hợp như Khu trung tâm kinh doanh thương mại đô thị sinh thái Hòa Khánh Nam, An Đồn; Khu tổ hợp công trình thương mại dịch vụ kết hợp ở phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế; Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại; dự án không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân… Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao sẽ ưu tiên đầu tư các dự án như Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dịch vụ dữ liệu công nghệ cao - HTC Digital Park; Khu Công nghệ thông tin DanangBay; Dự án chuyên lĩnh vực Fintech hỗ trợ trong Khu công nghệ cao; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học, sản xuất thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC), dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ, công nghệ thiết kế, chế tạo robot, khu cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dầu khí, điện gió. Trong lĩnh vực y tế, văn hóa sẽ ưu tiên đầu tư các dự án như Dự án nghiên cứu, sản xuất chế tạo các hệ thống, thiết bị thông minh phục vụ chẩn đoán theo dõi, điều trị và chăm sóc sức khỏe; Bệnh viện 1.000 giường phía Tây thành phố; các trung tâm Tầm soát ung thư thuộc Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm điều trị Ung bướu Quốc tế chất lượng cao, Trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng cao; Dự án Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Quảng trường Trung tâm thành phố…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo thành phố.

Cũng theo ông Lê Quang Nam, thành phố sẽ thực hiện đầu tư và thu hút đầu tư các dự án đô thị, tái thiết, chỉnh trang đô thị, các khu tái định cư, chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội như Khu đô thị sân bay; Khu đô thị Làng đại học; các khu vực đô thị sườn đồi; các dự án nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp; Thí điểm các dự án tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường An Hải Tây (quận Sơn Trà).

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, quy hoạch này là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới. Đà Nẵng cam kết sẽ xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng.

Chuyển hóa khát vọng thành động lực

Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, bản quy hoạch này được kỳ vọng như là cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách, triển khai các quy hoạch chuyên ngành, qua đó, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, mở ra những cơ hội và không gian phát triển mới, giá trị mới cho thành phố Đà Nẵng bứt phá phát triển trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy đề nghị công bố công khai, rộng rãi nội dung Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch này; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, các dự án công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bản quy hoạch Đà Nẵng lần này được xây dựng với một tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng phát triển, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cụ thể chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43, thể hiện khát vọng của nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước. Thành phố sẽ đóng vai trò đô thị trung tâm của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng duyên hải miền Trung. Đây sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao… Quy hoạch này đã mở ra không gian phát triển cho Đà Nẵng, được kỳ vọng tạo xung lực mới để Đà Nẵng tạo ra kỳ tích lần thứ 2 về phát triển kinh tế-xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ và Đà Nẵng trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu nêu trong quy hoạch, không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách cũ. Theo Phó thủ tướng, Đà Nẵng cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để phân bổ nguồn lực, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ, kèm theo đó là các chương trình và dự án, trong đó có những dự án ưu tiên để công bố công khai, huy động các nhà đầu tư lớn. Thành phố cũng cần nghiên cứu hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh với một tinh thần đổi mới để dẫn dắt. Để thực hiện những việc trên, nguồn nhân lực là rất quan trọng nên thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo. “Chìa khóa thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta có niềm tin rằng, Đà Nẵng tiếp tục đạt được những kỳ tích trong phát triển”- Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

HẢI QUỲNH

Tại lễ công bố quy hoạch, Đà Nẵng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 9,3 nghìn tỷ đồng. Cụ thể gồm dự án Nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao 135 triệu USD, dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn của Tập đoàn Amaccao 2.000 tỷ đồng, Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời CRC Solar tại Khu công nghệ cao của Công ty Create Capital Việt Nam 1.174 tỷ đồng, Khu phức hợp chung cư Ánh Dương của Công ty Mỹ Phúc 944 tỷ đồng, Dự án Chung cư Hồ Xuân Hương (The Poet Residence) của Công ty Phúc Thanh An 792 tỷ đồng, Dự án Chung cư Tháp Đại dương (Aqua Tower) của Công ty Aqua Tower 653 tỷ đồng, Dự án Căn hộ Mia Plaza của Công ty Cổ phần đầu tư Mia 600 tỷ đồng. Được biết từ đầu năm đến nay Đà Nẵng đã cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 40 dự án tổng vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng, thu hút gần 200 triệu USD vốn FDI.