Chuyển đổi số - giải pháp cho doanh nghiệp vượt khó

Giải pháp nhận diện khuôn mặt giúp các doanh nghiệp đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quản trị. Ảnh: Minh Sơn

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng không nhỏ. "Bài toán khó" phải đối mặt chính là đầu ra sản phẩm, vì dịch bệnh khiến thị trường truyền thống bị thu hẹp trong khi vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động. Ước tính dịch Covid-19 năm qua khiến doanh thu của khối doanh nghiệp này sụt giảm trên 50%; số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%; số thành lập mới sụt giảm 15%.

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát cho rằng chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Song, có 5 vấn đề đặt ra với khối doanh nghiệp này là chi phí, nhân lực tiếp nhận chuyển đổi số, an toàn thông tin, kết nối với các nền tảng số và chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Cụ thể, ông Nguyễn Kim Hùng (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho biết, nhiều doanh nghiệp không có kinh phí cho chuyển đổi số và cũng không biết bắt đầu từ đâu; đồng thời đưa ra đề xuất nên tổ chức khóa đào tạo trực tuyến về vai trò của chuyển đổi số trước khi đưa các nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, ông Lê Việt Thắng, đại diện Công ty cổ phần 1Office (cung cấp nền tảng quản trị thông minh 1Office) thì cho rằng, chuyển đổi số giống như lắp đồng hồ công-tơ-mét cho chiếc xe. Không có đồng hồ xe vẫn chạy cũng như nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp vẫn hoạt động, song muốn hiệu quả, muốn ra quyết định đúng đắn trong kinh doanh để tăng trưởng thì cần một thứ để đo, đếm và làm căn cứ ra quyết định.

Cùng quan điểm, theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa, phải hành động mới có thể thay đổi nhận thức. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong vòng 3 tháng để giải quyết các bài toán của mình; nếu hiệu quả sẽ sử dụng tiếp.

Đó là lý do mà Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ra mắt Nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Nền tảng này đã vận hành kết nối, tương tác, tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa chỉ https://smedx.vn kể từ ngày 29-1-2021 với sự tham gia của 15 doanh nghiệp cung cấp các nền tảng công nghệ Make in Viet Nam ở các lĩnh vực: Quản trị tổng thể doanh nghiệp: Kế toán dịch vụ; quảng cáo, tiếp thị trực tuyến; phân phối hàng hóa; thanh toán trực tuyến...

Về việc ra mắt nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Vì vậy, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số xuất sắc Make in Viet Nam. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tập hợp, đánh giá, lựa chọn và công bố những nền tảng số Make in Viet Nam để phục vụ chuyển đổi số. Đây là chìa khóa để giải bài toán chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp hơn so với giai đoạn trước đây.

Việt Nga