Chuyển đổi sản xuất ở Quảng Ngãi

Người dân huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Khánh.

Phụ thuộc cây keo

Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Duyên hải miền Trung, có 13 huyện và thành phố, trong đó có 5 huyện miền núi. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 266 thôn đặc biệt khó khăn và 83 xã Khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền Núi.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 48.500 hộ dân với trên 187.000 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 3 dân tộc chủ yếu là là H’re (khoảng 133.000 người), Cor (khoảng 33.000 người) và Xê Đăng (khoảng 19.000 người) còn lại là 1 số dân tộc khác.

Đặc điểm của đồng bào dân tộc nơi đây mỗi dân tộc sinh sống lâu đời trên một vùng đất, không đan xen giữa các vùng. Theo đó, người H’re tập trung ở vùng Tây Nam thuộc các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Người Xê Đăng sống ở phía Tây (huyện Sơn Tây) và người Cor sống ở vùng Tây Bắc (huyện Trà Bồng, Tây Trà cũ).

Do những đặc trưng này mà mỗi dân tộc tại đây đều có những cách thức sản xuất khác nhau. So với các dân tộc khác, người H’re có kỹ thuật sản xuất lúa nước tốt hơn, bởi khu vực sống của đồng bào H're có một số diện tích đất ruộng để canh tác, trong khi những vùng khác chủ yếu đời sống dựa vào sản xuất lâm nghiệp, chủ lực là cây keo.

Nhìn chung, cuộc sống của những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi còn rất khó khăn. Trong tổng số hơn 48.500 hộ là người đồng bào dân tộc có đến hơn 13.100 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 22% và chiếm đến 93% tổng số hộ nghèo ở khu vực miền núi). Từ trước tới nay, kinh tế của họ chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp trong đó chủ yếu là lâm nghiệp (trồng rừng, làm rẫy) một số ít có chăn nuôi nhưng tỷ lệ thấp.

Nói đến lâm nghiệp, ở vùng đồng bào dân tộc miền núi này chủ yếu sống dựa vào cây keo. Tuy nhiên, loại cây trồng này giá cả thường rất bấp bênh. Cùng với đó, điều kiện đường sá, giao thông để vận chuyển không thuận lợi khiến giá bán luôn thấp hơn nơi khác.

Thông thường, cây keo lai muốn bán được giá phải đạt độ tuổi từ 5 năm trở lên. Nhưng người dân miền núi hầu hết kinh tế khó khăn nên thường chỉ khoảng 3 năm tuổi đã xuất bán nhằm trang trải cuộc sống hàng ngày nên lợi nhuận từ loại cây này mang lại vô cùng thấp.

Xây dựng hạ tầng giao thông cho các địa phương miền núi Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Định hướng hỗ trợ thông qua các hợp tác xã

Xác định việc thay đổi tư duy cho đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc giúp họ thay đổi cách nhìn nhận để phát triển kinh tế, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thực hiện các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2020, đơn vị này đã tổ chức 24 lớp tập huấn cho 1.092 lượt người dân là đồng bào.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh này cũng tổ chức 19 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng và vận hành tổ nhóm, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất cho 816 lượt người.

Không chỉ có người dân mà những cán bộ cơ sở các xã miền núi, khó khăn cũng được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quy trình triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

628 cán bộ công chức các xã này được bồi dưỡng kiến thức về quản lý dự án thuộc Chương trình 135. Tổ chức 110 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức thực hiện gói thầu giao cho cộng đông thực hiện theo cơ chế đặc thù. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển kinh tế hộ gia đình cho hơn 5.100 người ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn…

Song song với việc tuyên truyền thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức người dân, tỉnh Quảng Ngãi cũng bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu.

Theo đó, Chương trình 135 năm 2020 vừa qua, tỉnh này đã bố trí trên 23 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khó khăn phát triển sản xuất. Trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện 66 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 1.256 hộ (hỗ trợ gần 1,4 triệu cây giống các loại, 29.660 con giống các loại giống vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, vịt..., và trên 8.500kg các loại vật tư sản xuất).

Cụ thể, Sở NN-PTNT thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng thuộc Chương trình không còn nạn đói ở Việt Nam với 35 hộ tham gia ở các xã có chủ yếu là người đồng bào dân tộc sinh sống ở huyện Sơn Tây.

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi chủ yếu vẫn sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Ảnh: Lê Khánh.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng xây dựng và nhân rộng 4 mô hình giảm nghèo là: Chăn nuôi Dê bản địa sinh sản; Chăn nuôi bò cái địa phương sinh sản; Phát triển chăn nuôi gà ta; Chăn nuôi trâu cái nội sinh sản có hiệu quả với 182 hộ tham gia.

“Ngoài các mô hình kinh tế được hỗ trợ, nhìn chung hiện đồng bào dân tộc trong tỉnh Quảng Ngãi đang chủ yếu dựa vào cây keo, song hiệu quả kinh tế loại cây này không cao. Vậy nên bài toán đặt ra ở đây vẫn là trồng cây gì và nuôi con gì. Không những vậy, khi đầu tư sản xuất sản phẩm cũng phải đảm bảo chất lượng”, ông Lê Quang Bình, Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi nói.

Cũng theo ông Bình, bà con đa phần vẫn còn sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, hộ gia đình nên để tăng tính hiệu quả cần phải hình thành các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác liên kết sản xuất. Do đó, chuẩn bị cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đang hướng đến việc hỗ trợ thông qua các HTX.

“Tĩnh sẽ hình thành các HTX và thông qua các hợp tác xã đó để tập hợp người dân gồm cả những hộ khá giả, hộ nghèo, cận nghèo cùng hướng dẫn nhau làm kinh tế. Khi hỗ trợ thông qua các HTX sẽ thực hiện theo quy trình từ đầu vào (cây trồng vật nuôi) cho đến theo dõi chăm sóc và cuối cùng là đưa ra thị trường. Đây gọi là sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cũng tùy theo từng vùng để lựa chọn những loại cây, con cho phù hợp. Đảm bảo được vùng nguyên liệu, điều kiện sản xuất và kết nối tiêu thụ. Tuy nhiên, chương trình này đang ở giai đoạn thiết kế chứ chưa có định hướng cụ thể để đưa vào thực hiện. Dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Bình chia sẻ.

"Dù đời sống của người đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh còn khó khăn như vậy nhưng việc làm sao để phát triển kinh tế, thoát nghèo không phải là dễ. Dù tỉnh cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ họ phát triển kinh tế như hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất thấp, gần như 0% nhưng người dân không tư duy để phát triển sản xuất, họ chỉ đi làm có được chừng nào dùng chừng đó”. Ông Lê Quang Bình, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.

LÊ KHÁNH - NGỌC KHANH