Chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc

Kháng kháng sinh là một trong những vấn đề được coi là thách thức đối với toàn cầu, không chỉ ngành y tế mà còn cả ngành thú y, nông nghiệp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, nấm hoặc ký sinh trùng sinh trưởng với sự hiện diện của 1 loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoặc hạn chế sự phát triển của chúng. Kết quả là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả, nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến thời gian bị bệnh lâu, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cao hơn. Nguyên nhân là do kháng kháng sinh nên ngày càng có nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bệnh do thực phẩm gây nên trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, kỹ thuật kháng sinh đồ được sử dụng để nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh. Thông qua kết quả kháng sinh đồ, bác sỹ sẽ chọn lựa kháng sinh tốt nhất, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho kết quả kháng nhiều loại kháng sinh sau khi làm kháng sinh đồ. Qua khai thác thông tin tiền sử dịch tễ, hầu hết gia đình đã cho trẻ sử dụng kháng sinh tại nhà, khi bệnh chuyển nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác dược lâm sàng luôn được chú trọng, trong đó kháng sinh là một trong những nhóm thuốc chiếm tỷ trọng cao. Bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng của dược sỹ, bác sỹ, điều dưỡng về những nguyên tắc lựa chọn kháng sinh, phối hợp kháng sinh cũng như tối ưu hóa liều của kháng sinh và một số lưu ý khi tiêm truyền kháng sinh. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân điều trị nội trú, bác sỹ, dược sỹ luôn tuyên truyền, nhắc nhở để họ sử dụng đúng đơn thuốc.

Bệnh nhân Trần Thị Phương, phường Bắc Cường (thành phố ào Cai) cho biết: "Khi bị sốt, viêm họng,… tôi ra hiệu thuốc kể các triệu chứng rồi mua kháng sinh về dùng, không đỡ tôi mới nhập viện điều trị. Trong cuộc họp hội đồng người bệnh vừa qua, tôi được cán bộ y tế phổ biến về những nguy cơ khi lạm dụng kháng sinh, tuyên truyền chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sỹ, luôn dùng hết liều kháng sinh được kê, không sử dụng quá liều kháng sinh và không chia sẻ kháng sinh cho người khác".

Không chỉ sử dụng cho người, thuốc kháng sinh còn được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi với mục tiêu phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Việc sử dụng thuốc thú y có chứa kháng sinh và kê đơn thuốc thú y dùng cho động vật trên cạn đã được Nhà nước quy định cụ thể. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích sinh trưởng là những hành vi bị nghiêm cấm.

Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1121 phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đề ra 4 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Mục tiêu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

Góp phần thực hiện những mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, những hoạt động truyền thông trong Tuần lễ Nhận thức về kháng thuốc thế giới kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc, tăng cường công tác quản lý; các trường học, cửa hàng thức ăn, cơ sở chăn nuôi, cơ sở thú y, cơ sở y tế và người dân chung tay hưởng ứng sử dụng kháng sinh an toàn để bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình và cộng đồng.