Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2024?

Trong năm 2023, vàng được đánh giá là kênh đầu tư “hot” nhất, có thời điểm giá vàng đã vượt 80 triệu đồng/lượng, tăng hơn 15% từ đầu năm và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Chứng khoán có thực sự kém hơn vàng?

Nhìn sang kênh chứng khoán, thị trường đã trải qua nhiều biến động: Nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến xuất xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Bước vào quý III/2023, VN-Index đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Ngày 6/9/2023, chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đóng cửa ở mức 1.245,5 điểm, tăng 23,67% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh giảm, nhưng đã dần ổn định trong thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán đã dần ổn định trong thời gian gần đây.

Mặc dù vẫn “lình xình” không vượt qua nổi 1.100 điểm nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index cũng đã tăng hơn 11%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thấp hơn tăng trưởng của thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và chỉ số S&P500 của Mỹ.

Trong bối cảnh xu hướng lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp, tỷ suất sinh lời của VN-Index đang duy trì mức cao hơn đáng kể so với tỷ suất sinh lời gửi tiền tiết kiệm 12 tháng. Còn nếu so với tỷ suất sinh lời của vàng, dù rằng kém hơn nhưng trên thực tế một số mã cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ của nhiều nhóm như Dịch vụ tài chính, Tài nguyên cơ bản, Xây dựng & Vật liệu xây dựng, Viễn thông, Công nghệ thông tin đã có sự phục hồi từ mức đáy và tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng trải rộng từ 10 - 45%.

Theo thống kê, có tới hơn 600 mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán ghi nhận mức tăng thị giá cao hơn mức tăng của giá vàng từ đầu năm. Thậm chí, không ít cổ phiếu còn tăng bằng lần, có thể kể đến những cái tên "quen mặt" như BMP (Nhựa Bình Minh), PDR (Phát Đạt), CTD (Contecons), (Chứng khoán VIX), MBS (Chứng khoán MB), SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội), CTS (Chứng khoán Ngân hàng Công thương), BSI (Chứng khoán BIDV)…

Trong khi đó, có một điều mà ít người nhắc tới và không để ý, đó là không phải ai cũng mua vàng từ đầu năm và giữ đến hiện tại. Những người nắm giữ vàng từ cách đây hơn một thập kỷ chỉ vừa mới “về bờ” và bắt đầu có lãi.

Mặt khác, phải thừa nhận một thực tế là kênh đầu tư chứng khoán cũng rất rủi ro khi cũng có đến hơn 600 mã giảm giá từ đầu năm bất chấp thị trường tăng điểm. Một số cổ phiếu thậm chí còn "chia 5, chia 10" thị giá. Xác xuất để mua phải cổ phiếu có mức tăng thua giá vàng (15%) từ đầu năm lên đến hơn 60%. Và không phải nhà đầu tư nào cũng "ôm" một cổ phiếu từ đầu năm đến nay để nhận được mức sinh lời lớn.

Do đó, mọi sự so sánh là khập khiễng. Hiệu suất của các kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào thời điểm mua bán. Như đầu tư chứng khoán, thay vì lao vào guồng quay “trading” liên tục, nhà đầu tư có thể cân nhắc trường phái nắm giữ dài hạn. Điều quan trọng là chọn được cổ phiếu để có thể yên tâm “kê cao gối ngủ”.

Vẫn được đánh giá cao trong năm 2024

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.

Năm 2024, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15% - 20%, một phần dựa trên nền năm 2023 thấp và tăng trưởng GDP được dự báo ở mức trên dưới 6%, cao hơn mức 5% của năm 2023.

“Trong kịch bản tích cực, kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi”, chuyên gia KBSV nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và Phát triển sản phẩm Khối Khách hàng cá nhân, ứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng kinh tế vĩ mô 2024 của Việt Nam và thế giới sẽ theo chiều hướng thuận lợi, lãi suất tiếp tục giảm. Đặc biệt là P/E vẫn đang ở mức rẻ hơn so với trung bình 5 năm qua, đang ở mức 14,7 lần.

Ngoài ra, chỉ số S&P 500 đã xác lập mức tăng kỷ lục vào quý III/2023 vừa qua, trong khi VN-Index vẫn chưa tăng theo. Trong khi lâu nay, chứng khoán Việt Nam thường thuận chiều với chứng khoán Mỹ, điều này dự báo chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 sẽ trở lại cùng chiều với chứng khoán Mỹ.

“Lãi suất đang bước vào cuối chu kỳ, sẽ chính thức suy giảm vào năm 2024. Khả năng FED sẽ không tăng lãi suất trong năm 2024 mà được dự báo sẽ giảm”, ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng việc lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn vẫn tiếp tục theo chiều hướng giảm sẽ chiết khấu vào doanh nghiệp niêm yết khiến giá cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn trong thời gian tới. Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đã ổn hơn. Việc hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước đã dừng lại, minh chứng là VN-Index đã tăng trở lại so với tháng 9 vừa qua.

Theo chuyên gia từ Yuanta, trong những ngành mà nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu năm 2024 thì không thể thiếu ngành công nghệ, với cổ phiếu FPT luôn được ưu tiên.

Ngành thứ hai là năng lượng: cổ phiếu PC1 hấp dẫn khi có nhiều "chất xúc tác"; trong khi mã POW được định giá rất thấp trong quá khứ, nếu mua ở vùng 11.000 đồng/cp thì có thể bán cao hơn.

Ngành thứ ba là dầu khí với PVD khá tiềm năng. Còn ngành tiêu dùng có mã PNJ khi hồi phục ấn tượng tháng 11. Với ngành ngân hàng thì tập trung vào nhà băng có chất lượng tài sản cao như ACB, VCB…

Dù vậy, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, thị trường vẫn phải đổi mặt với các yếu tố rủi ro như thị trường bất động sản "đóng băng" kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Hay như lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 - 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều...

Hải Giang