Chuẩn bị tốt nhân sự cho bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Các nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp thực hành tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động tại hội nghị tập huấn bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Nga Sơn

Công tác chuẩn bị nhân sự cho bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, nghiêm túc, dân chủ và đúng luật, qua đó giúp cử tri có điều kiện lựa chọn bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp những đại biểu ưu tú, đủ tiêu chuẩn theo quy định, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

* Giới thiệu, lựa chọn nhân sự thật sự tiêu biểu

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, căn cứ vào các hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, người ứng cử ĐBQH phải bảm đảm các tiêu chuẩn của ĐBQH theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt; bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Nếu người ứng cử ĐBQH đang công tác tại cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì ngoài đảm bảo tiêu chuẩn chung như trên, còn phải là người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử ĐBQH chuyên trách khóa XV còn phải đáp ứng yêu cầu có trình độ đại học trở lên; người ứng cử ĐBQH làm phó trưởng đoàn chuyên trách của tỉnh phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và có quy hoạch một trong các chức danh: Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch HĐND -UBND tỉnh hoặc tương đương trở lên; đồng thời đảm bảo về độ tuổi theo quy định.

Đối với tiêu chuẩn đại biểu HĐND và nhân sự UBND các cấp, phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu HĐND và nhân sự UBND các cấp giống như tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH.

Ngoài tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách và giữ các chức danh lãnh đạo UBND các cấp phải đảm bảo tiêu chuẩn Quy định 02-QĐ/TU ngày 19-1-2021 của Ban TVTU về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về chức vụ. Cụ thể, đối với cấp tỉnh, cán bộ ứng cử Phó chủ tịch HĐND phải là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trở lên (trong đó có 1 đồng chí là Ủy viên Ban TVTU), đang giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh trở lên. Cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức vụ từ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên. Ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức từ trưởng phòng hoặc tương đương của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Đối với cấp huyện, cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND phải là ủy viên ban chấp hành Đảng bộ huyện trở lên, giữ chức từ trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức từ phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của HĐND phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 5 năm trở lên và được quy hoạch vào chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên.

Đối với cấp xã, cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách phải là ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã; nơi nào có điều kiện thì bố trí ủy viên thường vụ Đảng ủy xã. Những đồng chí bí thư Đảng ủy xã dự kiến giới thiệu đồng thời là chủ tịch UBND xã, cần phải có năng lực, kinh nghiệm cả về công tác Đảng và công tác chính quyền.

Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gắn với nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025); trường hợp cần thiết phải thay đổi thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phát huy dân chủ và bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

* Sàng lọc kỹ nhân sự

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Lâm Tấn Khải cho biết, ở nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu được bầu của HĐND TP.Biên Hòa là 40 đại biểu. Quá trình chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu HĐND của thành phố luôn được cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời; tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đã cân đối hợp lý cơ cấu, thành phần và chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, những người có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.

Cán bộ KP.3, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) đang chuẩn bị khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử để dán tại khu dân cư tuyên truyền cho người dân. Ảnh: Hồ Thảo

Tuy nhiên, có một số đơn vị trong quá trình thực hiện công tác nhân sự lựa chọn người ứng cử và dự kiến số dư tại hội nghị hiệp thương lần thứ 1 chưa hợp lý nên có 6 phường, sau khi hiệp thương lần thứ 2 bị giảm số đại biểu được bầu. Để khắc phục tình trạng này, Thành ủy đang tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử; tăng cường hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ các bước để hiệp thương lần 3 đúng cơ cấu và đặc biệt chú trọng về chất lượng đại biểu.

Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Thúy Vinh thì cho hay, qua các hội nghị hiệp thương, huyện đã giới thiệu 59 ứng cử viên để bầu lấy 35 đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số 59 ứng cử viên, nữ có 26 người (44,07%); người ngoài Đảng 5 người (10,17%); dưới 40 tuổi có 20 người (33,9%); dân tộc thiểu số có 2 người (3,39%) và tái cử là 23 người (38,98%). Đến nay, Ủy ban Bầu cử huyện đã tiếp nhận 59 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND huyện.

Qua rà soát, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với các ứng cử viên, Ban Tổ chức Huyện ủy Xuân Lộc đã tham mưu Ban thường vụ Huyện ủy xem xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với các ứng cử viên; trong quá trình thực hiện kết luận tiêu chuẩn chính trị các ứng cử viên, huyện đã báo cáo về Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho ý kiến đối với 1 trường hợp vi phạm lịch sử chính trị theo Quy định 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Tại H.Tân Phú, kết thúc hiệp thương lần thứ 2, huyện có 785 ứng cử viên đại biểu HĐND huyện và xã. Theo Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Phú Ngô Phạm Hồng Vinh, qua thẩm tra lý lịch của các ứng cử viên này, có 2 trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chính trị (trong đó 1 người đang là đại biểu đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016-2021) và 1 người được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chính trị đều được báo cáo kịp thời đến Tỉnh ủy để cho ý kiến xem xét, giải quyết.

Khi giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc giới thiệu người ứng cử theo quy định của các cơ quan trung ương. Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Phương Hằng