Chưa có mã ngành Kiểm lâm, chi cục một số địa phương gặp khó trong tuyển dụng

Để thuận lợi cho công tác tuyển dụng cũng như hiệu quả hoạt động kiểm lâm, lãnh đạo một số chi cục kiểm lâm đề xuất có mã ngành đào tạo ngành Kiểm lâm.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hậu - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ắc Giang) cho biết, công tác tuyển dụng vị trí Kiểm lâm viên (ngạch Kiểm lâm viên chính - Mã số: 10.225; ngạch Kiểm lâm viên - Mã số: 10.226; ngạch Kiểm lâm viên trung cấp - Mã số: 10.228) của Chi cục gặp khó khăn.

Chi cục được giao 121 biên chế nhưng thực tế hiện nay toàn bộ Chi cục mới có hơn 100 biên chế.

Năm 2019, tỉnh giao cho Chi cục 26 biên chế đối với vị trí Kiểm lâm viên. Nhưng qua quá trình sơ tuyển chỉ có 9 hồ sơ trúng tuyển vào Chi cục. Tương tự, năm 2023, Chi cục thi tuyển 10 biên chế vị trí Kiểm lâm viên nhưng chỉ có 6 hồ sơ trúng tuyển.

Hạt Kiểm lâm Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) phối hợp với chủ rừng tuần tra, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn. Ảnh: Trang thông tin điện tử Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang.

“Khó khăn trong công tác tuyển dụng kiểm lâm viên là có ít ứng viên nộp hồ sơ. Đối tượng tuyển dụng cho vị trí kiểm lâm viên là người tốt nghiệp các lĩnh vực như: lâm sinh, lâm nghiệp tổng hợp, pháp chế, quản lý bảo vệ rừng,… Tuy nhiên, công việc của kiểm lâm viên vất vả, thường hoạt động ở vùng sâu vùng xa, rừng thiêng nước độc trong khi mức lương thấp (tính theo hệ số quy định của nhà nước) nên cũng khó thu hút người làm. Tôi e sợ trong vài năm nữa, công tác tuyển dụng kiểm lâm viên càng khó khăn hơn”, ông Hậu chia sẻ.

Ông Hậu cũng bày tỏ, kiểm lâm viên đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ và giám sát rừng: gồm tuần tra, phát hiện hoạt động trái phép, hỗ trợ công tác cứu hỏa rừng, giám sát sự tái sinh rừng, và quản lý các dự án bảo vệ môi trường.

“Kiểm lâm viên không chỉ dừng lại ở thông thạo các luật liên quan mà còn phải biết ghi nhận dấu vết, sử dụng phương tiện kỹ thuật, công cụ đo lường. Thêm nữa, kiểm lâm viên hiện nay còn phải thành thạo các mảng bảo vệ phát triển rừng, sử dụng rừng,…

Những nhân sự tốt nghiệp các ngành quản lý bảo vệ rừng, luật,… chỉ đáp ứng được công việc khi sắp xếp họ vào vị trí thực hiện một số nhiệm vụ của một kiểm lâm viên (ví dụ, kiểm lâm viên tốt nghiệp ngành Luật sẽ xếp vào làm ở mảng xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ rừng)”, ông Hậu chia sẻ.

Thực tế tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, với kiểm lâm viên tốt nghiệp ngành Luật, họ sẽ rất khó khăn khi gặp các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong kiểm lâm. Những kiểm lâm viên này sẽ phải được Chi cục đào tạo thêm về kỹ năng như: xem, xác định tọa độ địa lý trên bản đồ và thực tế; xác định diện tích khu rừng bị phá là bao nhiêu, khối lượng gỗ bị chặt phá ra sao,…

“Có kiểm lâm viên tốt nghiệp ngành Luật được Chi cục đào tạo 5 năm thì mới thành thạo tất cả các công việc, nhiệm vụ của một kiểm lâm viên”, ông Hậu cho biết.

Hiện tại, Chi cục được giao bảo vệ 140.000 ha nên bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm phải quản lý hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, nếu trừ đi một số nhân viên bộ phận hành chính, có kiểm lâm viên phải quản lý đất của 1-3 xã trong một huyện.

“Chi cục mong muốn tuyển dụng nhân sự kiểm lâm viên đúng ngành Kiểm lâm nhưng thực tế chưa có trường đại học nào đào tạo ngành, chuyên ngành Kiểm lâm. Nếu được, mong các trường đại học đào tạo lâm nghiệp được mở ngành Kiểm lâm.

Bởi, kiểm lâm không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, mà còn thực hiện mảng kỹ thuật, sử dụng và phát triển rừng. Do đó, nếu kiểm lâm viên được đào tạo đúng ngành Kiểm lâm thì sẽ rất thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chi cục”, ông Hậu đề xuất.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lý Xuân Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, vị trí Kiểm lâm viên của Chi cục chủ yếu tuyển dụng từ các sinh viên tốt nghiệp một số ngành của Trường Đại học Lâm nghiệp và Trường Đại học Nông Lâm (Đại học ái Nguyên).

Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, Chi cục tuyển được rất ít kiểm lâm viên, số lượng này "chỉ đếm trên đầu ngón tay" - ông Bình chia sẻ.

Về công tác tuyển dụng vị trí Kiểm lâm viên, ông Bình cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập hội đồng tuyển dụng, Chi cục chỉ là thành viên tham gia hội đồng chứ không được quyết định trực tiếp về tuyển dụng nhân sự. Trước đây, hình thức tuyển dụng vị trí Kiểm lâm viên là xét tuyển, hiện nay chủ yếu là thi tuyển. Việc tuyển dụng của Chi cục ưu tiên những ứng viên tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp.

Theo ông Bình, Chi cục hiện có khoảng 240 nhân sự (trong đó có 20 nhân viên hợp đồng), chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Nhiều kiểm lâm viên hiện phải quản lý đất rừng của 2-3 xã trong một huyện. Nếu được bổ sung thêm để đáp ứng công việc, Chi cục mong có khoảng vài trăm nhân sự.

"Nếu có sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp đúng ngành Kiểm lâm thì rất tốt. Bởi, các bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà mỗi kiểm lâm viên phải có, Chi cục không cần phải đào tạo thêm, đào tạo lại.

Do vậy, việc mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm để cung cấp đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản cho lực lượng kiểm lâm”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình cho hay, công việc của một kiểm lâm viên rất nhiều nhiệm vụ. Trước thực tế không có kiểm lâm viên tốt nghiệp đúng ngành Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang phải bố trí nhân sự này vào làm việc tại các vị trí liên quan đến chuyên môn mà họ được đào tạo. Đồng thời, Chi cục có các lớp tập huấn để kiểm lâm viên mới tham gia bồi dưỡng chuyên môn, chuyên ngành. Kết thúc lớp bồi dưỡng, tùy từng nội dung, các kiểm lâm viên mới sẽ làm bài thu học hoạch, bài kiểm tra.

Ngọc Mai