Chống dịch ở các điểm nóng

Ngày 6/8, Hà Tĩnh đang nỗ lực đưa công dân từ vùng dịch TP HCM về quê. Trong khi đó, Ngân hàng máu của TP Cần Thơ đang bị thiếu trầm trọng. Qua nhiều tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng nhiều người dân ở TP HCM cho biết vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn thực phẩm tươi sống…

Chuyến bay đặc biệt

Chuyến bay mang số hiệu QH204 từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) chở 190 hành khách là người dân tỉnh Hà Tĩnh đang sinh sống, làm việc tại TP HCM và các tỉnh miền Nam đã đáp sân bay Vinh (Nghệ An) trưa 6/8. Đây là chuyến bay đầu tiên trong số 5 chuyến bay do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đưa công dân về quê. Người về quê đa phần là người bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi; người khuyết tật; người lao động thất nghiệp, bị dừng việc dài ngày; công dân vào thăm thân, khám bệnh, giải quyết công việc bị mắc kẹt lại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Trước đó vào cuối tháng 7, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện vận chuyển 814 công dân về quê bằng tàu hỏa. Để rút ngắn thời gian di chuyển và hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm chéo, trong đợt 2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành làm việc với hãng hàng không Bamboo Airways để thực hiện các chuyến bay từ TP HCM đến sân bay Vinh để đưa công dân về quê.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cùng Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM tổ chức 5 chuyến bay từ 6 - 8/8, đón khoảng gần 1.000 công dân là người Hà Tĩnh đang thực hiện giãn cách xã hội tại TP HCM và tỉnh phía Nam. Công dân được hỗ trợ 100% tiền vé máy bay và kinh phí 2 lần test trong quá trình cách ly tại Hà Tĩnh. Đối với công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ chi phí cách ly.

Đây được đánh giá là những là nỗ lực kịp thời, thiết thực của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM và hãng hàng không nhằm đưa người dân có hoàn cảnh khó khăn hồi hương, giảm tải áp lực cho TP HCM và các tỉnh phía Nam trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Thiếu máu trầm trọng trong mùa dịch

Trong khi đó, Ngân hàng máu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở Bệnh viện Huyết học, truyền máu (HHTM) TP Cần Thơ đang bị thiếu trầm trọng, trong khi diễn biến dịch phức tạp nên việc tổ chức hiến máu rất khó khăn. Các địa phương cần tính toán tổ chức các buổi tiếp nhận máu để kịp thời bổ sung đảm bảo chữa trị cho bệnh nhân… Sau khi nắm được thông tin ngân hàng máu ở vùng ĐBSCL đang bị cạn kiệt và tiếp nhận văn bản kêu gọi hiến máu của Bệnh viện HHTM TP Cần Thơ, sau 2 ngày phát động, đã có hơn 80 cá nhân tình nguyện đăng ký, trong đó có cả lực lượng điều thành viên tại Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I và Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ đang thực hiện chế độ “3 tại chỗ”.

Ngày 5/6 đoàn cơ sở Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã phối hợp với Bệnh viện HHTM và Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện cho đoàn viên, thanh niên và người lao động tại ngay Trụ sở Tổng công ty Phát điện 2 và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I, kết quả đã thu về được 105 đơn vị máu hiến tặng.

Lượng máu để điều trị tđang thiếu trong mùa dịch.

Thông tin từ bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện HHTM TP Cần Thơ, mặc dù bệnh viện ở Cần Thơ nhưng thời gian qua luôn phục vụ cho 80 bệnh viện trong vùng ĐBSCL. Bình thường bệnh viện cung cấp mỗi tuần tối thiểu 1.000 đơn vị máu, nhưng đến nay trong kho máu của bệnh viện chỉ còn trên dưới 800 đơn vị (trong đó nhiều nhất là nhóm máu nhóm B 449 đơn vị và nhóm máu A 244 đơn vị, còn lại các nhóm máu O, AB rất ít) trong khi đó các tuần tiếp theo qua báo cáo của các địa phương không có lịch hiến máu”.

Trước đó để có nguồn máu dự trữ, Bệnh viện HHTM TP Cần Thơ đã kêu gọi các bệnh viện huyết học, truyền máu trong cả nước hỗ trợ, nhưng mới đây chỉ nhận được từ TP HCM gần 1.000 đơn vị máu; gần nhất sáng 4/8 nhận thêm 1.000 đơn vị từ Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Trung ương gửi vào bằng đường hàng không.

Đến thời điểm này Bác sỹ CKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học, truyền máu (HHTM) TP Cần Thơ đã gửi tới văn bản “hỏa tốc” lần thứ 5 đến các tỉnh, thành ĐBSCL, Quân khu 9 và một số cơ quan báo chí đến hiến máu.

Mặc dù nhiều người dân nắm được thông tin ngân hàng máu đang cạn kiệt và rất muốn đi hiến, tuy nhiên do các địa phương trong vùng đang thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên sợ gặp khó khăn khi ra đường nên không thể đến các bệnh viện hay Bệnh viện HHTM TP Cần Thơ để hiến máu. Đây cũng là điều mà lãnh đạo của Bệnh viện HHTM TP Cần Thơ đau đầu.

Sóc Trăng cũng như các địa phương khác trong vùng ngân hàng máu ở các bệnh viện cũng thiếu trầm trọng, Bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết: Rất khó để tổ chức các đợt hiến máu, có chăng trước mắt sẽ tổ chức ở lực lượng vũ trang và các công ty, doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” mới đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh.

Thông tin về kế hoạch tiếp nhận nguồn máu trong tháng 8 này ở Bạc Liêu, bà Nguyễn Phương Loan- Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Theo kế hoạch hàng năm Bạc Liêu đảm bảo dự trữ 120 đơn vị máu cho các loại máu, nhưng hiện nay tỉnh chỉ còn 30% đến 40%, trong thời gian giãn cách sẽ không tổ chức lấy máu, nhưng do thiếu nên trong tháng 8 này dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 1.200 đơn vị máu.

“Gom đơn” mua thực phẩm

Ở một diễn biến khác, qua nhiều tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng nhiều người dân ở TP HCM cho biết vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn thực phẩm tươi sống, chất lượng cao. Dù có phiếu mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện ích... do chính quyền địa phương cung cấp nhưng nhiều người vì ngại xếp hàng chờ đợi. Để tránh tới nơi đông người hay cần hàng hóa tươi sống chất lượng hơn, nhiều người đã chuyển qua mua hàng trực tuyến, đặt trực tiếp từ các mối quan hệ ở ngoài địa bàn TP HCM.

Chị Khánh Vân, 34 tuổi ngụ tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết từ ba tuần qua gia đình chị thường mua hàng bằng phiếu đi chợ do phường cung cấp. Tuy nhiên, sử dụng phiếu buổi sáng thường phải chờ khoảng 2 giờ đồng hồ trong khi buổi trưa hay buổi chiều thì các mặt hàng tươi sống đã hết. “Việc tụ tập đông người khiến mình bất an, nhất là trong môi trường máy lạnh, kín như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Vì vậy, cả tuần qua mình chuyển qua mua hàng online trên mạng. Đặc biệt, để tiết kiệm chi phí nhiều người dân ở trong khu phố mình đã “gom đơn” mua chung”, chị Vân cho biết.

Theo tìm hiểu, mặc dù hàng hóa thực phẩm tiêu dùng ở TP HCM không khan hiếm hay thiếu thốn nhưng cách tiếp cận cũng khá khó khăn. Các phiếu mua hàng chỉ áp dụng 2-3 lần/tuần, ở các siêu thị cố định khiến người mua bị giới hạn nhu cầu. Nhiều gia đình muốn có các loại hàng hóa tươi sống, chất lượng hơn gặp khó khăn. Việc mua hàng online thông qua các kênh trên mạng xã hội hay người quen ở các tỉnh, thành khác đang được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, hình thức “gom đơn” mua chung để giảm chi phí vận chuyển là phương thức khá phổ biến hiện nay.

Hạnh Nguyên - Quốc Trung - Đoàn Xá