Chỗ dựa vững chắc cho công dân Việt Nam ở nước ngoài

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chủ trì họp Ban chỉ đạo công tác bảo hộ công dân trước tình hình xung đột leo thang căng thẳng ở Trung Đông, ngày 23/10/2023. (Ảnh: Anh Sơn)

Thách thức chưa từng có tiền lệ

Trong bối cảnh thế giới bùng phát nhiều điểm nóng như xung đột, đảo chính, thảm họa, thiên tai, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển quốc tế diễn biến phức tạp, công tác bảo hộ công dân của ta gặp không ít những khó khăn, thách thức, thậm chí, xuất hiện những vụ việc chưa từng có tiền lệ.

Thứ nhất, diễn biến khó lường của tình hình thế giới do các cuộc xung đột, khủng hoảng xảy ra ở nhiều điểm nóng khác nhau.

Thứ hai, hệ quả của việc công dân ta ra nước ngoài đông hơn, bằng nhiều hình thức khác nhau dẫn đến nhu cầu bảo hộ, xử lý các vụ việc phát sinh nhiều hơn. Đơn cử như ở các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Ngoài việc xuất cảnh hợp pháp, đi làm việc theo hợp đồng, tình trạng công dân bị dụ dỗ, lừa đảo đến các nước Đông Nam Á làm việc cho các sòng bài, cơ sở trò chơi trực tuyến diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng trong công tác bảo hộ công dân.

Thứ ba, vấn đề công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài, đặc biệt là di cư trái phép tiếp tục xảy ra ở châu Âu và bắt đầu xuất hiện ở các địa bàn xa xôi hơn như Bắc Mỹ, Nam Mỹ…

Trong thời gian gần đây, công tác bảo hộ công dân, tàu cá của ta gặp thêm nhiều khó khăn, thách thức do một số nước tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát tàu cá nước ngoài.

Đợt đầu tiên trong chiến dịch đưa công dân Việt Nam từ Myanmar về nước, ngày 6/12/2023. (Ảnh: Tuấn Việt)

Những thành tích đáng ghi nhận

Dù cho tình hình thế giới đầy biến động, công tác bảo hộ công dân vẫn đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Việc thành lập và đưa vào hoạt động Ban chỉ đạo của ộ Ngoại giao về công tác bảo hộ công dân từ giữa năm 2021 đã nâng cao tính chuyên nghiệp của công tác này. Lần đầu tiên trong các vụ bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng, Nghị quyết số 04/NQ-BCS ngày 31/10/2023 về công tác bảo hộ công dân ở Israel được ban hành. Bộ Ngoại giao thành lập Nhóm làm việc liên ngành và Đoàn công tác trên thực địa để triển khai công tác sơ tán công dân ở Myanmar.

Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao ban hành Quy trình bảo hộ và đưa ngư dân về nước, thể hiện tính chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác này.

Trong hai năm qua, Bộ Ngoại giao đã xử lý kịp thời một khối lượng lớn các vụ việc bảo hộ công dân, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Thứ nhất, bảo hộ, hỗ trợ, sơ tán công dân ở Ukraine, trong đó hỗ trợ hơn 3.000 người và đưa về nước an toàn khoảng 1.700 người trên sáu chuyến bay do các hãng hàng không Việt Nam thực hiện.

Thứ hai, can thiệp, giải cứu, đưa về nước hơn 2.000 công dân làm việc trong các sòng bạc, cơ sở trò chơi trực tuyến ở Campuchia (các vụ lớn như trên 200 người ở Shihanoukville tháng 5/2022, vượt sông về An Giang tháng 08/2023), Philippines (giải cứu trên 400 người tháng 5/2023), Lào…

Thứ ba, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lên phương án di chuyển công dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở Bắc và đưa công dân về Việt Nam một cách an toàn. Tính đến thời điểm này, ta đã tổ chức chín chuyến bay thuê chuyến đưa về nước 1.014 công dân Việt Nam, đồng thời hỗ trợ năm công dân các nước Malaysia, Singapore và Ai Cập sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm về đến Việt Nam.

Thứ tư, đưa về nước hàng trăm ngư dân mãn hạn giam giữ ở nước ngoài, thực hiện bảo hộ hàng trăm tàu cá bị phía nước ngoài xử lý trên các vùng biển, trao đổi, đề nghị các nước phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm của tàu cá Việt Nam để phục vụ việc xử lý ở trong nước, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Thứ năm, tích cực tham gia xử lý các vụ việc bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là các vụ việc ở Algeria hay UAE.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang chỉ đạo các Cơ quan đại diện theo dõi sát tình hình ở Israel, hoàn thiện các phương án sơ tán công dân khi chiến sự leo thang hoặc lan rộng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tính mạng của công dân ta.

Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Doãn Hoàng Minh.

Trọng tâm thời gian tới

Trước thách thức đặt ra ngày càng lớn, phức tạp và đòi hỏi ứng biến nhanh, kịp thời, có trách nhiệm, Cục Lãnh sự xác định một số phương hướng cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình, thể chế, trong đó có việc xây dựng và ban hành Quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng ở nước ngoài theo từng bước cụ thể, để gắn trách nhiệm các bộ, ngành và đơn vị liên quan cũng như cơ chế tài chính phù hợp.

Tiếp theo, thúc đẩy các sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, tập trung vào việc phát triển, tận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý, thống kê công dân, chủ động trong triển khai các phương án bảo hộ khi cần thiết.

Ngoài ra, điều chỉnh quy định về sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân cho phù hợp, bảo đảm đáp ứng các tình huống khẩn cấp. Trước mắt, cần rà soát lại cho phù hợp với tình hình mới.

* * *

Cùng với các nhiệm vụ khác của Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và đội ngũ cán bộ trong và ngoài nước quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu và các nhiệm vụ để luôn là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Doãn Hoàng Minh