Chiến lược '8G' của Thủ tướng và câu chuyện phát triển Bến Tre

Một góc thành phố Bến Tre.

Tại hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra “chiến lược 8G” phát triển ĐBSCL.

* Chữ G thứ nhất là “Giao”, tức là tập trung phát triển giao thông, thủy lợi và kết cấu hạ tầng; thúc đẩy giao thương gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), Trung ương sẽ đầu tư ngân sách khoảng 57 ngàn tỷ đồng để phát triển giao thông ĐBSCL.

Đối chiếu với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, vấn đề giao thông, thủy lợi và cấp nước cũng là vấn đề cốt tử của tỉnh ta. Sau đại hội, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021 - 2030. Với hai nội dung này, tỉnh Bến Tre xác định nhiệm vụ phá điểm nghẽn, tăng cường kết nối giao thông với TP Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, kiểm soát được xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ.

Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng cầu Rạch Miễu 2 (dự kiến khởi công trong quý IV-2021); hoàn thành giai đoạn 1 tuyến giao thông động lực ven biển, kết nối với Trà Vinh và Tiền Giang về TP HCM; mở rộng quốc lộ (QL) 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú; dự án đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú; tuyến tránh Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc; đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận (ĐT.DK.07); đường Bắc - Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Phong Nẫm (ĐT.DK.08); xây dựng cầu Rạch Vong, cầu Ba Lai...; phát triển giao thông thủy phù hợp, với hệ thống cảng sông, cảng biển; kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động logistics.

Về thủy lợi và cấp nước, phấn đấu cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; đảm bảo nguồn cung nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ với đa dạng giải pháp: kéo nước thô từ Cái Bè, thủy lợi cục bộ tạo nguồn nước cấp cho các nhà máy nước, các nhà máy lọc nước RO...; tranh thủ nguồn vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp, một số đô thị lớn như TP. Bến Tre, Châu Thành...

Thi công nâng cấp mở rộng quốc lộ 57, đoạn Chợ Lách.

* Chữ G thứ hai là “Giáo”, tức là giáo dục, bao gồm: giáo dục cơ bản, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục nâng cao. Đây là yếu tố rất quan trọng, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ta cũng vừa ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, chú trọng xây dựng cả nhân lực trong hệ thống chính trị, nhân lực các đơn vị sự nghiệp (giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật...), nhân lực kinh tế (cho doanh nghiệp, các hợp tác xã...) và nhân lực xã hội (theo các khu vực kinh tế: nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ).

Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tỉnh đang khẩn trương phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng đề án thành lập trường đại học thành viên (tại Bến Tre) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (dự kiến chiêu sinh trước năm 2025); đồng thời, xây dựng Trường Cao đẳng Bến Tre thành cơ sở đào tạo nghề đa ngành, đa cấp, có uy tín trong khu vực và cả nước, gắn với đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

* Chữ G thứ ba là “Giang”, tức là sông, phát triển kinh tế và sinh kế sông, biển. Trong Đề án phát triển giao thông và logistics, tỉnh ta cũng chủ trương phát triển mạnh hơn giao thông thủy, kết nối với các tỉnh trong khu vực và với TPHCM (cảng Hiệp Phước, Cát Lái), Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép - Thị Vải); quy hoạch xây dựng hệ thống cảng sông, các cụm logistics ven sông và thậm chí chúng ta đang thuê tư vấn nghiên cứu để đề xuất đưa vào quy hoạch quốc gia một cảng nước sâu ở khu vực Bình Đại hoặc Thạnh Phú. Đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển các đô thị ven sông, biển; phát triển du lịch dựa trên tài nguyên sông, biển. Chúng ta cần nghiên cứu thêm để phát huy lợi thế sông, biển trong phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

* Chữ G thứ tư là “Gắn”, tức là gắn kết Trung ương - địa phương, nhà nước - thị trường - người dân - doanh nghiệp, trong nước - ngoài nước, đặc biệt là gắn kết nội vùng. Với Bến Tre, việc gắn kết với các bộ, ngành Trung ương để phù hợp chiến lược ngành và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương là rất quan trọng; qua đó, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương trong việc tiếp cận thị trường và nguồn vốn quốc tế. Về kết nối chính quyền - người dân - doanh nghiệp, tỉnh đang tập trung xây dựng chính quyền theo phương châm “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo; phục vụ nhân dân, đồng hành doanh nghiệp”; đồng thời, đang triển khai Chương trình phát triển doanh nghiệp, với mục tiêu thành lập mới 5.000 doanh nghiệp và xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh. Về liên kết vùng, tỉnh cũng đã xác định các lĩnh vực sẽ tập trung gồm: giao thông, thủy lợi, vùng nguyên liệu (dừa, trái cây, thủy sản...). Gắn kết ở đây còn là câu chuyện: sản xuất gắn với thị trường; gắn với khoa học - công nghệ; gắn kết cộng đồng, văn hóa.

Bến Tre đang tập trung phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực.

* Chữ G thứ năm là “Giàu” và chữ G thứ sáu là “Giỏi”. Thủ tướng Chính phủ mong muốn ĐBSCL và các địa phương phải là nơi thu hút được người giàu, người giỏi về cùng đầu tư và kiến tạo sự phát triển của địa phương. Với Bến Tre, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng chỉ số cải cách hành chính đạt nhóm 20 cả nước vào năm 2025 đã được xác định là nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ và được cụ thể hóa trong Đề án cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, với việc triển khai Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông và Nghị quyết chuyển đổi số, tỉnh đang hướng đến mở rộng không gian phát triển trên thực địa về hướng biển và trên không gian mạng; đây sẽ là nhân tố quan trọng thu hút người giàu, người giỏi về với Bến Tre.

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm chăm lo, tạo điều kiện phát triển đội ngũ người giàu, người giỏi của tỉnh thông qua nhiều giải pháp, trong đó có Chương trình phát triển doanh nghiệp và Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Hội tụ người giàu, người giỏi là thước đo của một địa phương đáng sống mà Bến Tre đang hướng đến.

* Chữ G thứ bảy là “Già” và chữ G thứ tám là “Giới”. Bến Tre chúng ta là tỉnh có tốc độ già hóa dân số hàng đầu khu vực ĐBSCL, cùng với sự dịch chuyển dân số về các trung tâm kinh tế lớn, đang đặt ra cho tỉnh vấn đề nan giải về nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội. Để giải quyết vấn đề này, việc đào tạo để nâng cao tay nghề và năng suất của người lao động cần được quan tâm triển khai; đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo hiểm, công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, chăm lo người cao tuổi, trẻ em... là các vấn đề cần được quan tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với hai chữ “G” này, tỉnh ta cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện và có những giải pháp đồng bộ, khả thi để đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội trong tiến trình phát triển bền vững.

Có thể nói, “chiến lược 8G” mà Thủ tướng Chính phủ vừa đề cập đã bổ sung hoàn thiện chiến lược phát triển ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh ta cũng đã kịp xác định các vấn đề trên trong Tầm nhìn chiến lược và trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Thời cơ đã được nhận diện; vấn đề còn lại kết nối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Chúng ta cần làm tốt công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL và kết nối tốt với nguồn lực quốc gia; xác định trọng tâm và điều hành quyết liệt để hiện thực hóa từng mục tiêu.

Cuộc Đồng khởi mới đã có nội hàm rất cụ thể, chỉ còn hành động của chúng ta để hiện thực hóa khát vọng sánh vai./.

Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi