Chất lượng - giá thành và chiến lược kinh doanh của DN FDI ngành giấy

Năm 2020, bất chấp bối cảnh đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới trong bối cảnh dịch bệnh tác động phức tạp đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thành tích này được tạo nên nhờ sự đóng góp của nhiều ngành công nghiệp lớn nhỏ trong nước. Trong đó, phải kể đến ngành công nghiệp sản xuất giấy của Việt Nam nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng ấn tượng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2020, tổng tiêu dùng giấy toàn ngành ước đạt 5,448 triệu tấn, tăng trưởng 0,2%. Xuất khẩu giấy đạt 1,75 triệu tấn, về giá trị đạt gần 2,0 tỷ USD và tăng trưởng 76,5%, đạt mức tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2015 – 2020. Ngoài ra, theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021-2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn.

Điều đó, cộng thêm lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia gần đây, khiến ngành công nghiệp giấy Việt Nam tiềm năng hơn bao giờ hết, thu hút không ít DN FDI đầu tư nhà máy, sản xuất kinh doanh. Trong đó, nổi bật là công ty Lee & Man Việt Nam đã đầu tư hơn 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất hiện đại tại nhà máy Hậu Giang, vận hành với công suất 420.000 tấn/năm để sản xuất giấy bao bì, thúc đẩy sự phát triển ngành giấy nội địa.

Quy trình sản xuất khép kín theo mô hình kinh tế bền vững bên trong nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam.

Là một doanh nghiệp ngoại, chỉ mới gia nhập vào thị trường Việt Nam hơn 3 năm nay, Lee & Man Việt Nam đã làm thế nào để khẳng định vị thế của mình?

Ngay từ khi lên kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đã đặt ra cho mình một tiêu chuẩn riêng về chất lượng sản phẩm. Đối mặt với cạnh tranh ngày càng gia tăng, chúng tôi không so sánh mình với ai khác. Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào chất lượng sản phẩm và đưa ra tiêu chuẩn để thị trường theo chân.

Những năm đầu tiên khi công ty mới đi vào hoạt động, nhu cầu về chất lượng của các khách hàng nội địa không quá cao, sản phẩm trên thị trường đa phần có mức giá vừa phải. Tuy vậy, khi phải đối mặt với bài toán cạnh tranh về giá, chúng tôi vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn của mình, chúng tôi không muốn hạ thấp chất lượng sản phẩm chỉ để có giá thành cạnh tranh.

Mọi sản phẩm của Lee & Man khi được đưa ra thị trường phải luôn giữ được chất lượng cao, đặc biệt là các dòng giấy cao cấp như White Top Liner (Đóng thùng hải sản – PV) hay Kraft Liner (Tủ lạnh, Motor Machine box - PV). May mắn thay, khi có một “người dẫn đầu”, thị trường cũng sẽ thay đổi, người mua dần kỳ vọng nhiều hơn, tiêu chuẩn càng cao hơn, nhờ đó, chúng tôi đã có thể từng bước chinh phục thị trường trong nước và vươn lên dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giấy chỉ sau 4 năm vận hành. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước đã chiếm đến 70-80% tổng công suất nhà máy.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, đâu là yếu tố giúp Lee & Man Việt Nam có được sự thành công như hôm nay?

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào máy móc, công nghệ. Nhưng có một thực tế là, tất cả các thiết bị di động, công nghệ, máy tính, máy móc, đồ nội thất… đều cần được quản lý và vận hành bởi con người. Chính vì vậy, có thể nói con người chính là tài sản quý giá giúp Lee & Man Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu như hiện tại.

Ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Lee & Man Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rõ việc đưa người từ các nước khác về đây phát triển nhà máy là rất khó khăn, tôi quan niệm công ty chỉ thành công khi được vận hành bởi những con người sống tại đây và am hiểu vùng đất này. Chính vì vậy, ngay từ khi lên kế hoạch, tôi đã xác định phải làm thế nào để tỷ lệ nhân sự nội địa hóa đạt 50-60%.

Nhờ tinh thần học hỏi cao và khao khát được phát triển và cống hiến hết mình của người dân nơi đây mà các chương trình Đào tạo Trao đổi, nâng cấp năng lực cho lao động địa phương của Lee & Man Việt Nam luôn đạt được hiệu quả cao. Sau hai năm, chúng tôi đã thành công xây dựng một đội ngũ nhân viên có trình độ cao, đảm bảo quá trình hoạt động của công ty. Thậm chí, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã có hơn 50% nhân sự điều hành C-Level là người Việt.

Tôi tin rằng, tiền lương công ty trả cho nhân viên chỉ để sở hữu thời gian của họ, không thể mua được trái tim của họ. Chúng tôi cần cho nhân viên của mình thấy rằng họ cũng là một phần của nhà máy.

PV