Cây dược liệu tạo nguồn thu ổn định cho bà con dân tộc thiểu số tại Lai Châu

Qua đó, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện.

Tiềm năng lớn từ cây dược liệu

Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Châu. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Huyện có 14 xã thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế... Những năm qua, để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, Mường Tè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Dù là một huyện còn nhiều khó khăn song Mường Tè lại có những thế mạnh không nhiều địa phương có được, đó chính là tiềm năng lớn về cây dược liệu. Đặc biệt các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, tam thất, thất diệm nhất chi hoa, cây bẩy lá một hoa, sa nhân tím, cây thảo quả...

Vì lẽ đó, huyện Mường Tè xác định bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những hướng phát triển kinh tế trọng tâm của huyện. Trên cơ sở Đề án phát triển cây dược liệu và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung: Phát triển cây dược liệu phải đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, gắn với bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu. Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo tồn, chọn tạo giống, chú trọng bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý có lợi thế của huyện như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến. Từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Kế hoạch phát triển cây dược liệu của huyện đặt ra mục tiêu cụ thể: Hỗ trợ phát triển trồng 2,5ha cây dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến... Tập trung phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, phát triển các loại dược liệu khác có giá trị như: thảo quả, sa nhân tím, riềng, quả đỏ… tại các xã có điều kiện. Xây dựng vườn gốc bảo tồn trên 1.700 cây mẹ sâm Lai Châu tại các xã: Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ. Thu hút đầu tư phát triển trồng các cây dược liệu có lợi thế, nhu cầu của thị trường theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, huyện Mường Tè đã phát triển được hơn 1.500ha cây Sa nhân tím; trên 2.100 ha cây thảo quả; 2 ha cây thất diệp nhất chi hoa và 3 ha cây tam thất. Đối với cây tam thất, bên cạnh việc trồng và phát triển công tác bảo tồn nguồn gen gốc là nhiệm vụ quan trọng được huyện đặc biệt quan tâm. Cây tam thất được ví như cây làm giàu cho người dân, nhờ có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân của các bản, các xã vùng dự án đã thoát nghèo, cuộc sống khá sung túc.

Gia đình anh Vàng Hu Ga, ở bản Huổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè là hộ nghèo đặc biệt khó khăn với gần 10 nhân khẩu nhưng cuộc sống chỉ trông chờ vào một vụ lúa và nông sản lấy từ rừng. Năm 2017, gia đình anh Vàng Hu Ga bắt đầu trồng quế. Đến năm nay, anh đã có thể tỉa cành và lá quế để bán. Với gần 1ha, gia đình anh thu nhập được gần 50 triệu đồng. Đây là số tiền gia đình anh không bao giờ có nếu làm nông nghiệp manh mún.

Phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa

Nhận thấy cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế đưa người dân thoát nghèo từ cây dược liệu là rất lớn, UBND huyện Mường Tè đặt mục tiêu phát triển các loại cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Song hành là hỗ trợ về cơ chế, chính sách.

Được biết, năm 2023, toàn huyện Mường Tè được giao kế hoạch vốn 241,5 tỷ đồng, trong đó 157,9 tỷ đồng là nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG 1719. Đến nay, toàn huyện giải ngân được trên 23 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch giao.

UBND huyện Mường Tè thông tin, Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030 là động lực quan trọng để vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, biên giới.

Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, biên giới của huyện đã có chuyển biến tích cực. Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của huyện đã tăng lên gần 28 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 50%.

Có thể nói, bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu theo hướng tập trung phát triển cây dược liệu đã trở thành một hướng đi vững chắc, mở ra cho địa phương này những cơ hội mới, giúp đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Phương Lâm