'Canh bạc' lớn tiếp theo của Tổng thống Joe Biden

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2020, ông đã tuyên bố sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% (không lâu sau khi lên cầm quyền.

Gói đầu tư khổng lồ nói trên được Tổng thống Biden đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn đạo luật kích cầu kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do chính ông đề xuất.

Thông qua kế hoạch đầu tư hạ tầng có thời hạn 10 năm này, Washington sẽ nhận lấy vai trò mới trong hàng loạt lĩnh vực, từ trạm xạc ôtô điện cho tới nhà trẻ vào trại dưỡng lão và gánh trách nhiệm lớn lao hơn trong việc thúc đẩy giáo dục, tăng thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm thu nhập tốt cho người dân Mỹ.

BƯỚC NGOẶT CHÍNH SÁCH

Nhiều nhà quan sát cho rằng kế hoạch đầu tư hạ tầng mà ông Biden đề xuất đánh dấu một bước ngoặt lớn về chính sách kinh tế. Đây thực sự là một "canh bạc" lớn hơn rất nhiều so với gói 1,9 nghìn tỷ USD, không chỉ bởi quy mô mà còn bởi tân Tổng thống dường như đang đặt cược với niềm tin rằng Chính phủ có thể đóng một vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế.

Từ những năm 1980 đến nay, chính sách kinh tế của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều dựa trên quan điểm cho rằng khu vực công kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân, và các chính trị gia không thể thắng thế trước thị trường. Nhưng ông Biden có thể đang muốn chứng minh điều ngược lại.

Đối với phái cấp tiến, nếu thành công trong việc thuyết phục Quốc hội nhất trí với phần lớn kế hoạch này, ông Biden sẽ gia nhập hàng ngũ những Tổng thống được lịch sử đánh giá cao, như Lyndon Johnson hay Franklin Roosevelt -những người đã thể chế hóa được những thay đổi mang tính bước ngoặt về quyền dân sự và an sinh xã hội ở Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, kế hoạch của ông Biden đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Trước hết, ông Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ - nơi Đảng Dân chủ của ông nắm đa số mong manh. Phe Cộng hòa cùng một số nghị sỹ Dân chủ thuộc phái ôn hòa có quan điểm phản đối việc tăng thuế và tăng chi tiêu sau khi Washington đã chi gần 5 nghìn tỷ USD để kích cầu vượt Covid trong vòng một năm qua.

Các tòa án ở Mỹ, với ưu thế nghiêng về các thẩm phán thuộc phái bảo thủ, có thể chặn một số sáng kiến của ông Biden. Một liên minh tổng chưởng lý các bang thân Đảng Cộng hòa mới đây đã đâm đơn kiện một số điều khoản trong gói kích cầu vừa rồi và một số sắc lệnh điều hành của ông.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng gói 1,9 nghìn tỷ USD đã là sự phản ứng thái quá đối với cú sốc nghiêm trọng nhưng tạm thời mà đại dịch và phong tỏa gây ra cho kinh tế Mỹ. Họ xem xu hướng tăng mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ như một lời cảnh báo rằng việc Chính phủ ồ ạt vay nợ và chi tiêu có thể dẫn tới lạm phát leo thang.

Nhiều mục tiêu trong kế hoạch hạ tầng của ông Biden dễ được lòng cử tri Mỹ, nhưng ngặt nỗi lại được đặt ra vào lúc nợ chính phủ liên bang nước này đã ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong tài khóa trước, nợ chính phủ liên bang Mỹ đã tương đương 100% GDP lần đầu tiên kể từ năm 1946. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách (CBO) thuộc Quốc hội Mỹ, đến năm 2031, con số này sẽ đạt kỷ lục 107%, đặt ra lo ngại rằng các thế hệ tương lai của nước này sẽ phải nai lưng trả nợ.

TIỀN Ở ĐÂU RA?

Nếu không phải là vay nợ để đầu tư, thì tiền ở đâu ra? Câu trả lời là ông Biden sẽ phải tăng thuế đánh vào giới nhà giàu. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2020, ông đã tuyên bố sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% (không lâu sau khi lên cầm quyền, Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã giảm thuế này từ 35% về 21%).

Thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập trên 400.000 USD/năm có thể lên tới 39%. Triển vọng tăng thuế là một mối lo của thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây, khi một số chuyên gia cảnh báo rằng thị trường có thể sụt điểm mạnh nếu một kế hoạch tăng thuế được đưa ra.

Một phân tích của Tax Policy Center cho rằng kế hoạch tăng thuế của ông Biden có thể thu về 2,1 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Việc tăng thuế luôn phải đi đôi với vận động sự ủng hộ của cử tri và là một biện pháp có nhiều rủi ro chính trị. Bởi vậy, kể từ chương trình tăng thuế quy mô lớn của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 đến nay, Mỹ chưa có một đợt tăng thuế nào khác tương tự.

Chủ trương kinh tế của ông Biden hoàn toàn ngược lại với những gì mà ông Trump theo đuổi. Trong khi ông Trump xem việc giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát là cách để thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế trên diện rộng, ông Biden lại dựa vào tăng thuế, vay nợ, và siết chặt quy chế.

Nhiều quan chức trong chính quyền ông Biden đã lên tiếng bảo vệ chủ trương này. Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh việc lãi suất và lạm phát ở Mỹ đều đang ở mức thấp, xem đây là lý do để không phải quá lo lắng về chuyện vay nợ. Bà nói hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ lạm phát leo thang, và cho dù lạm phát có tăng thật thì FED cũng có đủ công cụ để kiềm chế.

Một luận điểm mà chính quyền ông Biden đưa ra để lôi kéo sự ủng hộ cho kế hoạch hạ tầng khổng lồ là nỗi lo rằng nếu không phấn đấu, Mỹ sẽ bị Trung Quốc cho "hít khói". "Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn chúng ta rất nhiều, vì kế hoạch của họ là nắm bắt được tương lai", ông Biden nói trong một bài phát biểu mới đây.

Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm này của Tổng thống Biden, cho rằng Mỹ đã chậm trễ nhiều trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Một báo cáo mới đây của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ (ASCE) dành cho hạ tầng của Mỹ điểm C-. Theo tổ chức này, Mỹ đứng trước nguy cơ thiếu hụt đầu tư hạ tầng lên tới 2,6 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Báo cáo nhận định, việc tiếp tục đầu tư không đầy đủ cho hạ tầng sẽ khiến Mỹ mất 3 triệu việc làm và 10 nghìn tỷ USD GDP trong thời gian từ nay đến năm 2039.

kiều oanh