Cẩn trọng với thực phẩm gắn mác 'sạch'

Mua bán bằng niềm tin

Đánh vào tâm lý “khát” thực phẩm sạch của người tiêu dùng, hiện nay nhiều loại thực phẩm như: Rau củ, thịt cá, trái cây... đang được nhiều nhà sản xuất dán nhãn “sạch”, “an toàn” và quảng cáo rầm rộ. Khảo sát tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là quanh các khu chung cư, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên nhan nhản. Không chỉ bày bán trực tiếp, thực phẩm được gắn mác “sạch” cũng được quảng cáo rộng rãi trên các trang mạng xã hội với nhiều lời hứa có cánh về chất lượng và độ an toàn.

Hàng hóa trong các siêu thị lớn luôn được khách hàng tin tưởng về chất lượng (Ảnh mang tính minh họa- Lê Thắm)

Do được gắn mác “sạch” nên các sản phẩm này có giá bán cao hơn, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với các sản phẩm cùng loại. Theo lý giải từ phía người bán hàng, giá cao là do là sản phẩm sạch, được nuôi trồng theo quy trình khép kín, công nghệ cao nên chi phí sản xuất, nuôi trồng đều cao hơn so với hàng hóa bình thường.

Chẳng hạn, với sản phẩm rau bắp cải, ngoài thị trường bán khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg thì trong các cửa hàng thực phẩm sạch giá dao động ở mức 25.00 - 35.000 đồng/kg; dưa chuột bên ngoài thị trường bán 15.000 – 17.000 đồng/kg, cửa hàng rau sạch bán 25.000 - 32.000 đồng/kg; cà chua, khoai lang, rau cải, rau dền… giá tại cửa hàng rau sạch cao gấp đôi so với giá bên ngoài. Giá thịt, thủy hải sản tươi sống tại các cửa hàng thực phẩm sạch cũng cao hơn so với cửa hàng bình thường, ví dụ, thịt ba chỉ có giá giao động khoảng 240.000 đồng/kg, thịt sườn khoảng 275.000 đồng/kg, gà ri 245.000 đồng/kg…

Tuy nhiên, trên thực tế, dù phải mua với giá cao, nhưng người mua lại không được kiểm chứng nơi sản xuất, quy trình sản xuất, sơ chế, cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn và được các cơ quan chức năm kiểm tra hay không. Mà việc mua bán này phần lớn chỉ dựa trên lời giới thiệu của người bán và niềm tin của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Dung (Láng Thượng, Đống Đa) cho biết, do cảm thấy thực phẩm được bày bán tại chợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chị thường vào các cửa hàng thực phẩm sạch để mua thịt, cá, rau củ cho gia đình. “Mặc dù các mặt hàng ở đây đắt hơn rất nhiều so với ngoài chợ hay siêu thị. Nhưng do là sản phẩm được gắn nhãn mác “sạch” nên tôi cảm thấy khá yên tâm”- Chị Dung chia sẻ.

Cùng đặt niềm tin vào các cửa hàng thực phẩm sạch, nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng nhận lại được những sản phẩm đúng như kỳ vọng. Chị Hoàng Hải Hà (Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân) cho hay, cách đây ít ngày chị có vào một cửa hàng thực phẩm sạch gần nhà để mua thịt lợn về nấu bữa tối. Thế nhưng lúc bỏ đồ ra xào nấu thì phát hiện ra thịt đã bị ôi, lúc này chị mang ra cửa hàng để phản ánh và được nhân quản lý cửa hàng xin lỗi đồng thời trả lại tiền. Mặc dù vậy, sau lần đó chị cũng cảm thấy e dè hơn với các cửa hàng thực phẩm được gắn mác “sạch”.

Trên thực tế, trường hợp khách hàng mua phải hàng không đảm bảo chất lượng ngay tại cửa hàng thực phẩm “sạch” không phải là chuyện hiếm. Điển hình như câu chuyện cá kho có "vật lạ" được phát hiện tại cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood, chi nhánh Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 4/4 đã khiến không ít người giật mình.

Được biết sau khi xảy ra sự việc, Đội Quản lý thị trường số 12 đã cử lực lượng xuống làm việc trực tiếp với đơn vị này, lập biên bản, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, khâu tiêu thụ sản phẩm. Sau đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 17 triệu đồng đối với hệ thống Thực phẩm sạch CleverFood về hành vi “Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng”. Trước đó, sự việc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô dưới mác “rau sạch” đã khiến dư luận dậy sóng.

Khách hàng cần tự bảo vệ mình

Trở lại với vụ cá kho có "vật lạ", sau khi có thông tin sự việc ông Hà Minh Đức, Giám đốc hệ thống Thực phẩm sạch CleverFood lên tiếng thừa nhận, vì mong muốn mở rộng hệ thống, chạy theo doanh thu, CleverFood đã buông lỏng các khâu bảo quản và đào tạo nhân sự dẫn đến các lỗi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây, đặc biệt là vụ việc cá kho có "vật lạ" mà khách hàng đã mua.

Có thể thấy, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và được cả xã hội quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Vì thế mà hiện nay rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch hoặc chuỗi thực phẩm sạch ra đời. Không những thế, trên các trang mạng xã hội cũng quảng cáo rao bán rất nhiều thực phẩm sạch, nhiều loại do hộ gia đình tự chế biến. Đã có một thời gian, hai chữ “rau sạch” trở thành thương hiệu được người tiêu dùng tìm đến, thậm chí còn đưa vào siêu thị bán với giá gấp 3-4 lần giá ở chợ, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra chỉ có mác “rau sạch”, còn lại không rõ nguồn gốc.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, người tiêu dùng phải hiểu đúng về “rau sạch”, Hà Nội chỉ có “rau an toàn” sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nghĩa là quá trình sản xuất phải theo 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGap. Hà Nội cũng đã công bố danh sách vùng rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nhiều nơi treo biển “rau sạch” để “lập lờ đánh lận con đen”.

Còn với thực phẩm sạch quảng cáo, rao bán trên mạng, nhưng không rõ nguồn gốc, không đăng ký kinh doanh, theo Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư Hà Nội), đây là vấn đề rất khó xử lý hiện nay. Bởi, dù quảng cáo rầm rộ như thế, nhưng khi tới kiểm tra thì không có nhà xưởng, kho…nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, hiện nay đa phần các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đều đăng ký kinh doanh và tự công bố chất lượng an toàn thực phẩm, nên chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành của doanh nghiệp.

Luật sư Tài cũng nhận định, việc kinh doanh tự gắn thương hiệu “sạch”, là cách kinh doanh chưa minh bạch, cần được kiểm tra giám sát từ “gốc đến ngọn”, và thường xuyên công khai kết quả để người tiêu dùng căn cứ vào đó lựa chọn khi mua sản phẩm, từ đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho những người thực sự bán sản phẩm sạch. Cùng với đó, mỗi người tiêu dùng, cần tự ý thức trong việc tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm, trước khi mua. Sẵn sàng lên tiếng, phản ánh tới các lực lượng chức năng khi phát hiện ra sản phẩm “bẩn” trà trộn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra các tiêu chí đánh giá thực phẩm “sạch” để tránh tình trạng “lách luật” như hiện nay./.

Lê Thắm