Cần có đề án quốc gia cho ngành rong biển

Tiềm năng lớn nhưng hiện trạng phát triển còn hạn chế

Trên thế giới sản lượng rong biển trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng nhanh, đạt trên 35 triệu tấn. Rong biển nuôi trồng chiếm tỷ trọng lớn nhất tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines… Có khoảng trên 200 loài rong có thể sản xuất thương mại, trong đó trồng chính có khoảng 27 loài mang lại giá trị thương mại khoảng 8,3 tỷ USD mỗi năm.

Ngành rong biển còn nhiều tiềm năng phát triển. Nguồn: ITN

Chiến lược thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu giảm khai thác, đặc biệt là khai thác gần bờ, chuyển sang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó rong biển cũng là đối tượng có nhu cầu rất lớn, không chỉ trong nước mà cả thị trường xuất khẩu. Tại Việt Nam đã phát hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, trong đó có 88 loài có giá trị kinh tế, với 3 nhóm loài chính gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Tập trung nhiều ở khu vực biển miền Trung, biển miền Nam và vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ. Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000ha; năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500ha, sản lượng 150.000 tấn.

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, rong biển là nền tảng cho phát triển nuôi, trồng thủy sản bền vững bởi ngành này có những lợi thế tự nhiên không ngành nào có được. Không chỉ tạo ra sản phẩm, rong biển còn giúp ổn định, cải tạo chất lượng môi trường, cung cấp oxi cho sinh vật biển, hấp thụ CO2 của không khí làm giảm lượng phát thải... Bên cạnh đó, rong biển còn được làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón và chất tăng cường sinh học trong nông nghiệp...

Năm 2023, xuất khẩu rong biển chỉ trên dưới 10 triệu USD - con số rất nhỏ so với những ngành hàng chủ lực của thủy sản. Thực tế, ngành hàng này còn một số điểm yếu như chất lượng giống thấp, chưa có cơ sở sản xuất cung ứng giống rong chất lượng cao; hàm lượng công nghệ trong thu hoạch chế biến rong biển còn hạn chế.

Bên cạnh đó, rất ít nhà máy chế biến rong trong số hơn 800 nhà máy chế biến thủy sản. Chất lượng rong thương phẩm kém, giá bán thấp, lợi nhuận chưa cao; đơn cử giá trung bình thấp 1,57 USD/kg trong khi nhập rong nguyên liệu là 10,99 USD/kg.

Ngoài ra, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng kỹ thuật, thông tin về rong biển và thị trường. Ngành cũng chịu sự cạnh tranh không gian biển với các ngành kinh tế biển khác. Chuỗi giá trị ngành hàng rong chưa được thiết lập, ngành chưa có chiến lược, đề án, kế hoạch và các chính sách chủ động để phát triển ngành hàng rong thành một sản phẩm quốc gia.

Là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn, Giám đốc Công ty TNHH DBLP Đỗ Linh Phương cũng thừa nhận, cho đến nay trên bản đồ rong biển thế giới vẫn chưa có Việt Nam.

Cần hỗ trợ ngành rong biển

Định hướng phát triển nuôi biển, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển. Theo đó, ngành sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa... và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi; đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Quyết định số 339/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều đề cập đến nghề rong biển nhưng vẫn mờ nhạt, chưa rõ ràng. Quyết định 985/QĐ-TTg Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 có nêu ứng dụng công nghệ mới trồng các loại rong biển có giá trị tại các vùng sinh thái phù hợp, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm vào thị trường, góp phần tăng tín chỉ carbon. Nhưng, đó chỉ mới là phương hướng chứ chưa có giải pháp, chưa có kế hoạch, chưa có các chính sách thích hợp để kích thích ngành rong biển phát triển.

“Để đạt được mục tiêu, nâng cao xuất khẩu cho ngành hàng tiềm năng này cần có định hướng rõ cho ngành rong biển. Phải có đề án chiến lược quốc gia cho riêng ngành, trong đó tập trung phát triển loại rong gì, sản lượng bao nhiêu, phương thức ra sao và có các giải pháp hỗ trợ ngành rong biển phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Giám đốc STP Group Nguyễn Thị Hải Bình đề xuất nhanh chóng xây dựng đề án phát triển rong biển. Nghiên cứu, cấp vùng nuôi, ổn định phát triển mô hình nuôi trồng theo hướng công nghiệp, có mã vùng nuôi... Đặc biệt, các bộ, ban, ngành có chế tài kinh tế dành riêng cho rong; ngân hàng nông nghiệp có những chương trình đồng hành với rong biển.

Kiến nghị thêm, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín, kỹ sư Lê Bền đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành chức năng liên quan, sớm ban hành bộ tiêu chí báo cáo về hấp thụ và phát thải CO2 của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và rong biển nói riêng giúp các doanh nghiệp sớm tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Thủy sản thời gian tới cần tiếp tục hướng dẫn, đồng hành với các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội ngành hàng rong biển. Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch, tiêu chuẩn để các địa phương có căn cứ đánh giá đúng giá trị của ngành hàng rong biển, từ đó có những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp.

Hạnh Nhung