Cải thiện sức khỏe bà mẹ trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Vẫn còn chênh lệch và bất bình đẳng

Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân, là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền do sự thiếu hụt về năng lực y tế cũng như nguồn nhân lực có kỹ năng.

Số liệu nghiên cứu cho thấy, dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia dù đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100.000 trẻ đẻ sống nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao (100 - 150 ca tử vong) ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao, đơn cử phụ nữ dân tộc Mông chiếm 60%, dân tộc Thái 17%. Tỷ lệ tử vong mẹ ở phụ nữ H’mong cao gấp 7 lần so với phụ nữ người Kinh.

Truyền thông cách chăm sóc bà mẹ và trẻ em cho người dân huyện Mường Chà. Nguồn: ITN

Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara, một vấn đề đáng lo hiện nay là Việt Nam đang phải đối mặt với một thách lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã khiến sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại càng trầm trọng thêm và gây ảnh hưởng đặc biệt đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nói chung, bà mẹ mang thai vùng dân tộc thiểu số nói riêng. UNFPA rất quan ngại về vấn đề này vì nó sẽ đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ

Theo các chuyên gia, mang thai và sinh con là một phần tất yếu của cuộc sống, ngay cả khi phải đối mặt với dịch bệnh. Do đó, cần phải tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thiết yếu cho phụ nữ mà không để bị gián đoạn, bảo đảm phát hiện và quản lý được các rủi ro và biến chứng thai sản không chậm trễ vì sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Để cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số, Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” với tổng kinh phí hơn 2 triệu USD do Quỹ do UNFPA và quỹ MSD vì các bà mẹ (MSD For Mothers) đồng tài trợ đã được khởi động tại 60 địa phương ở 6 tỉnh, thành phố (Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai) và các tổ chức xã hội dân sự trong nước trong giai đoạn từ 1.9.2021 – 30.9.2024.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các biện pháp về chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, được cộng đồng quốc tế công nhận là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, hiện nay nước ta đang nỗ lực duy trì kết quả thực hiện các mục tiêu đó và hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triền bền vững vào năm 2030 với mục tiêu: Không để ai bị bỏ lại phía sau giảm thiểu mức cao nhất các trường hợp tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được. Theo ông Vinh, những bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất rút ra từ sáng kiến này sẽ giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 với tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe.

Nhật Phương