Cái khó của Táo Quân

Trở lại sau một năm vắng bóng, Táo Quân 2021 không thể trở thành một “cú nổ” ấn tượng như kỳ vọng. Chương trình đang nhận những bàn luận trái chiều, một bộ phận khen hay, thâm thúy, số khác lại cho rằng nội dung chưa tới. Song, phần đa đồng tình rằng đêm giao thừa vẫn cần có Táo Quân thay vì format hài kịch, tạp kỹ tổng hợp như năm trước.

Táo Quân từng có thời đỉnh cao

Dù không ít năm gây tranh cãi, Táo Quân vẫn là chương trình được quan tâm và đắt giá bậc nhất trên sóng VTV. Theo báo giá công khai của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc VTV, đơn giá quảng cáo cho TVC dài 30 giây trong chương trình Táo Quân 2021 là 650 triệu đồng.

Mức giá này cao kỷ lục và tăng 62,5% so với chương trình Gặp nhau cuối năm không có Táo Quân năm 2020. Giá quảng cáo được giới trong nghề đánh giá là luôn tỷ lệ thuận với rating, chứng tỏ Táo Quân sau nhiều năm vẫn là chương trình được nhiều người quan tâm và yêu thích.

Tuy nhiên, xét về hiệu ứng, Táo Quân những năm gần đây đã không còn hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ như giai đoạn 2008-2011. Đây là thời kỳ đỉnh cao của Táo Quân với nội dung kịch bản sinh động, áp dụng nhiều hình thức mới mẻ như Hoa Táo, Táo Idol. Dàn diễn viên diễn xuất màu sắc, nhiều bản nhạc chế ấn tượng, đến nay vẫn được khán giả nhớ tới.

Nhưng sau thời đỉnh cao, Táo Quân những năm sau đó liên tiếp chững lại. Số lượng những câu nói “bất hủ”, gây bão giảm dần. Đến năm 2016, Táo Quân được cho là lấy lại phần nào phong độ với nhiều câu thoại ấn tượng và đặc biệt là trò chơi Vòng quay tham nhũng. Nhưng đến năm 2017, 2018 và 2019, chương trình lại đi vào lối mòn.

Táo Quân là tiếng cười trào phúng, đả kích hiếm hoi còn lại của thị trường hài.

Năm 2020 Táo Quân dừng lại một năm sau khi bị giới chuyên môn đánh giá chương trình thiếu đổi mới, “giậm chân tại chỗ”. Năm nay, Táo Quân trở lại với nhiều nỗ lực đổi mới. Phần nội dung được thực hiện chỉn chu, ngắn gọn tuy nhiên chương trình thiếu vắng những tiếng cười thực sự sảng khoái. Đặt trong phép so sánh với những cơn bão của Táo Quân 2009, 2011 hay sự hấp dẫn của Táo Quân 2016, Táo Quân 2021 không thể tạo ra hiệu ứng tương tự.

Cân bằng giữa tính chính luận và giải trí

Nhìn vào thị trường hài hiện nay, hài chính luận, tức xây dựng kịch bản dựa trên những chất liệu thông tin thời sự, xã hội không còn nhiều. Game show hài trên truyền hình có thể khiến người xem cười rần rần nhưng cũng bị cho là sa vào hài đời tư, tức lấy cả chuyện của người nổi tiếng để trêu đùa, gây cười trên sóng. Nhiều game show hài bị chê nhảm.

Phim hài Tết miền Bắc sau sự ra đi của đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng đã vắng dần dòng hài trào phúng, đả kích sâu cay. Thậm chí, một thời gian không ngắn phim hài Tết miền Bắc còn lạm dụng cảnh nóng, khoe thân. Giới chuyên môn gọi đây là hài bẩn, câu khách rẻ tiền.

Trong bối cảnh đó, Táo Quân đến nay vẫn giữ được thương hiệu của hài chính luận. “Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng, một trong những tác giả của kịch bản Táo Quân, từng nói với Zing rằng anh xây dựng nội dung Táo Quân từ chất liệu thông tin đã đăng tải trên báo chí trong năm.

Kịch bản Táo Quân do đó là những quan sát tình hình chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội trong cả một năm của đội ngũ biên kịch.

Một số năm Táo Quân không thành công trong việc cân bằng giữa tính chính luận và giải trí.

Vì lẽ đó, Táo Quân trong hành trình của mình luôn là chương trình có tính tổng kết năm, tức các sự kiện, vấn đề nổi bật, được dư luận quan tâm trong năm thường được nhắc đến trong Táo Quân. Tinh thần phản biện, đả kích những mặt trái còn tồn tại của các bộ ngành cũng là khía cạnh được chờ đợi.

Nhưng bản chất Táo Quân vẫn là một chương trình giải trí, hài kịch. Do vậy, nhiều năm chương trình gặp khó trong việc cân bằng giữa tính chính luận, sâu sắc với chất hài để tạo ra tiếng cười cho khán giả. Nặng chính luận thì khó cười, trong khi quá giải trí lại dễ bị chê nhảm. Nhiều năm chương trình không thành công trong khâu cân bằng.

Táo Quân 2017 là một ví dụ. Chương trình bao quát đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong năm, từ sự cố môi trường đến việc bổ nhiệm người nhà vào vị trí lãnh đạo quan trọng nhưng lại không làm cho khán giả cười thoải mái.

Táo Quân 2021 cũng rơi vào lối mòn này. Chương trình đề cập đến nhiều vấn đề vĩ mô, thành tích kinh tế, chuyện nhân sự trong khi mảng miếng hài và tình huống hài lại không nhiều.

Thông thường với hài kịch nếu chỉ chú tâm vào thông tin mà quên tạo ra những tình huống hài, chương trình dễ bị khô khan, khó lan tỏa. Nhưng nếu chỉ tập trung vào hài, Táo Quân lại mất đi thương hiệu trào phúng riêng biệt. Ngoài ra, có những vấn đề dù thực tế xã hội vẫn tồn tại nhưng nếu nhắc nhiều lần ở Táo Quân lại dễ thành nhạt. Đó cũng những cái khó của Táo Quân.

Thay đổi diễn viên gạo cội: Nên hay không nên?

Táo Quân nhiều năm nay giữ đội hình với Chí Trung, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng, Tự Long và Vân Dung. Họ góp công không nhỏ vào thương hiệu Táo Quân.

Một Công Lý đanh đá, sắc sảo khi vào vai Bắc Đẩu, một Xuân Bắc tinh tường, khôn ngoan, khéo léo trong nhân vật Nam Tào. Và một Quốc Khánh được nhớ đến với vai Ngọc Hoàng nói “ít mà chất”.

Tự Long đa dạng và biến hóa, đóng nhiều Táo khác nhau, hát chèo, chầu văn, tuồng đều ấn tượng. Vân Dung ghi dấu với ngôn ngữ cơ thể, đóng đinh với hình ảnh Táo Y tế, trong khi Quang Thắng chuyên trị vai Táo Kinh tế với những biểu cảm khó lẫn với ai. Cuối cùng là Chí Trung lù đù, thật thà và gây cười với lối nhả chữ chẳng giống ai.

Các nghệ sĩ là diện mạo của Táo Quân. Nhưng khi đã gắn bó 16-17 năm liên tiếp, tất cả nghệ sĩ đều cho thấy dấu hiệu đuối sức về sáng tạo. Họ vẫn thuyết phục về diễn xuất nhưng đã không còn sự mới mẻ, thăng hoa, gây bất ngờ như khoảng mười năm trước.

Dàn diễn viên trẻ chưa ai được giao vai chính trong Táo Quân.

Trong khi đó, đơn vị sản xuất lại chưa dám mạo hiểm với đội hình nhân sự mới và trẻ hơn. Có những diễn viên trẻ đã góp mặt 5-7 năm nhưng chủ yếu đóng vai phụ từ Thiên Lôi, vai “con ông cháu cha”, rồi doanh nhân, tinh tú. Tất cả đều là những vai ít đất diễn, trong khi Táo Quân vẫn chủ yếu là đất diễn của các Táo trong vai tư lệnh ngành.

Những gương mặt trẻ như Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi, Minh Tít, Dũng Hớn hay Mạnh Hưng do vậy chưa để lại dấu ấn đáng kể ở Táo Quân. Năm nay, Táo Quân cho các diễn viên trẻ nhiều cơ hội hơn nhưng vẫn không phải vai chính. Lâm Vỹ Dạ lần đầu góp mặt nhưng cũng không đảm nhận vai Táo.

Không phải ngẫu nhiên "cha đẻ" của Táo Quân - NSND Khải Hưng từng nói rằng Táo Quân rất cần thiết cho đêm giao thừa nhưng để đổi mới thì cần phải có thêm nhiều yếu tố nhân sự mới và dàn diễn viên mới.

Rõ ràng, từ lâu Táo Quân đã không phải cạnh tranh với bất cứ chương trình nào, không phải tham gia bất cứ cuộc đua nào trên thị trường. Vấn đề của Táo Quân có lẽ là vượt qua cái bóng của chính mình.

Quang Đức