'Cách tân' nhạc Trịnh

Một số sự kiện gây chú ý là việc những người trẻ đã chuyển ngữ một số ca khúc của Trịnh sang tiếng Anh hoặc biểu diễn nhạc Trịnh theo phong cách jazz, rap... với mong muốn "thời đại hóa" dòng nhạc đã trở thành "kinh điển" từ hơn nửa thế kỷ nay trong lòng hàng triệu người Việt.

Ảnh minh họa

Với nhiều người thuộc về các thế hệ 6x, 7x hay 8x, nhạc Trịnh phải nghe qua giọng hát Khánh Ly hay sau này có thêm Hồng Nhung. Không cần bàn cãi, Khánh Ly là giọng hát "lý tưởng" nhất để thể hiện những bản nhạc phản chiến hay những khúc tình ca được viết nên giữa bối cảnh chiến tranh tàn khốc - khi tình yêu là nơi chốn để con người trốn chạy khỏi những chết chóc, tang thương. Hồng Nhung được sinh ra để hát những khúc tình ca được nhạc sĩ viết ở giai đoạn sau khi đất nước đã hòa bình, tình yêu được đơn hoa nảy lộc trong môi trường yên bình và trong sáng hơn.Nói cách khác, mỗi ca sĩ nổi tiếng đều đại diện cho một thời đã gắn thân, hát bằng những trải nghiệm thực tế nên có thể lột tả trọn vẹn những gì mà tác giả - cũng là người cùng thời, đã gửi gắm trong tác phẩm. Trong giọng hát của họ, cảm xúc không phơi bày một cách trần trụi mà ẩn sâu dưới nhiều tầng của ngôn ngữ âm nhạc. Người nghe chỉ cảm mà khó có thể phân tích rạch ròi bằng chữ nghĩa.

Nhạc Trịnh hay nhìn rộng hơn là: Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Lam Phương... là tiếng lòng của những người sống một trong bối cảnh, viết nên những dòng nhạc và ca từ được chắt lọc từ cảm xúc chân thật của thời cuộc nên khó trách những thế hệ ca sĩ sau đã không thể hiện tác phẩm của họ một cách trọn vẹn như những ca sĩ cùng thời. Đơn cử như cùng với giọng hát Chế Linh, nếu nghe "Thành phố buồn" của Lam Phương ở bản thu âm trước 1975 chắc hẳn sẽ có cảm giác trọn vẹn hơn so với bản thu ở hải ngoại. Những album nhạc Trịnh của Khánh Ly ghi âm ở hải ngoại khó sánh được với loạt album "Hát cho quê hương Việt Nam" cũng do chính bà thực hiện tại Sài Gòn trước năm 1975, bất chấp công nghệ ghi âm và hòa âm phối khí những năm sau này đã ở trình độ vượt trội so với trước…

Vì thế cho đến tận giờ, những cuốn băng ghi lại các chương trình cũ vẫn được rất nhiều người săn lùng với giá vô cùng đắt đỏ. Những cuốn băng đó không chỉ có giá trị sưu tầm mà thực sự đã lưu giữ giá trị nghệ thuật vững bền - những giá trị mang tính thời cuộc.

Như vậy, việc "làm mới" những tác phẩm đã "đóng đinh" danh tiếng qua hơn nửa thế kỷ là điều cực khó và không thể làm một cách tùy tiện, cẩu thả. Mong đừng ai nhân danh "thời đại hóa" những tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển để rồi làm cho nó "biến chất, mất dạng", ảnh hưởng cả tới giá trị của tác phẩm và tác giả.

BẢO KHÁNH