Các thị trường Đông Nam Á lao đao vì biến chủng Delta

Theo Bloomberg, các thị trường chứng khoán Đông Nam Á lao dốc do số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao. Đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của Del Monte Philippines đã bị trì hoãn vì thị trường biến động mạnh. Một số nhà phân tích dự báo các đồng tiền Đông Nam Á sẽ tụt lại so với những đồng tiền khác trên thế giới.

Giới đầu tư sẽ xem xét tỷ lệ tiêm chủng trước khi đặt cược vào khả năng phục hồi. Tỷ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến những hạn chế di chuyển và sự trì hoãn trong quá trình mở cửa trở lại. Điều này có thể khiến kinh tế khu vực tụt hậu so với phần còn lại của thế giới.

"Các thị trường Đông Nam Á đang lao dốc vì không đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70% để làm giảm quá trình lây nhiễm Covid-19", Bloomberg dẫn lời ông Alan Richardson, Giám đốc danh mục đầu tư tại Samsung Asset Management (HK) Ltd., bình luận.

"Tiêm chủng đại trà là cách duy nhất để mở cửa trở lại một cách bền vững", ông nói thêm.

Chỉ số MSCI Asean Index đã lao dốc hơn 5% trong năm nay, so với mức tăng khoảng 0,2% của chỉ số MSCI Asia Pacific Index. Trong khi đó, chỉ số MSCI AC World Index tăng đến 13%.

Các thị trường Đông Nam Á đỏ lửa vì biến thể virus mới và tỷ lệ tiêm chủng tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Ảnh: Reuters.

Trường hợp của Singapore cho thấy rõ tầm quan trọng của tiêm chủng. Chỉ số của Singapore đi ngược xu hướng với mức tăng hàng năm 12%. Quốc đảo này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% dân số.

Trái phiếu chính phủ của Thái Lan, Philippines và Malaysia đều bị ảnh hưởng. Chỉ số tổng lợi nhuận trong nước giảm khoảng 1% tính theo đồng USD kể từ cuối tháng 6. Các nhà đầu tư lo ngại chính phủ sẽ phải gánh thêm nợ để kiểm soát những đợt bùng phát mới, cứu trợ các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề.

Đồng ringgit của Malaysia và peso của Philippines đã giảm lần lượt gần 2% và 3% so với đồng bạc xanh trong quý này. Trong khi đó, với mức suy yếu 4%, đồng baht của Thái Lan là một trong những đồng tiền hoạt động kém nhất thế giới.

Tuy nhiên, không phải mọi tài sản đều gặp khó khăn. Nợ doanh nghiệp của Đông Nam Á đã chứng tỏ khả năng phục hồi so với những khoản nợ khác trong khu vực.

Mức chênh lệch giữa lợi tức của trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng USD của Đông Nam Á so với châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm. Nguyên nhân chính là tình trạng nợ của Trung Quốc.

"Với những khó khăn do chính sách thắt chặt ở Trung Quốc mang lại, việc đầu tư vào các thị trường Đông Nam Á sẽ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư thu nhập cố định ở châu Á", ông Sheldon Chan, Giám đốc danh mục đầu tư của Asia Credit Bond Strategy (có trụ sở tại Hong Kong) thuộc T. Rowe Price, bình luận.

"Bất chấp mối đe dọa từ các biến thể virus và việc triển khai vaccine chậm đối với triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn, chúng ta vẫn có thể an tâm rằng Đông Nam Á vẫn có vùng đệm tốt để chống lại những biến động từ bên ngoài", ông nói thêm.

Thảo Phương