Buồn vui chuyện 'chạy mộ'

Ảnh minh họa

"Chạy mộ"

Bất đắc dĩ, không làm khác được mới phải “chạy mồ, chạy mộ” cho người mất. Nhiều ngôi còn chưa kịp xanh cỏ, cũng phải chuyển đi. Mồ yên mả đẹp, có gia đình nào mà không muốn? nhưng… xã hội phát triển, thời thế thế thời. Nhiều người tếu táo nói vui với nhau: “trước kia chỉ có người chết mới ra đồng ở; giờ người sống tranh đất của người chết, thậm chí còn ở gần người chết”. Nói thì nói vậy, chứ người dân đều tuân thủ mọi quyết định của Nhà nước.

Ở nông thôn, mồ mả từ 3-4 đời trước được chôn cất tự do ngoài cánh đồng, kiểu dáng và hướng cũng đa dạng. Có gia đình tự xây, tự đặt theo ý. Cũng có nhà nhờ thầy phong thủy bày cho. Sau này, Nhà nước quy hoạch, có Nghĩa trang nhân dân (nghĩa địa, bãi tha ma), người mất cũng vì thế được chôn đúng nơi, hướng mộ thì vẫn tự do, không thống nhất.

Việc cải táng (bốc mộ; sang cát), xây dựng, sửa sang, di rời mộ phần thường được diễn ra vào thời điểm cuối năm, khoảng tháng 10, 11 âm lịch. Tiết trời những tháng này thường mát mẻ, hanh khô, khá thuận lợi. Theo quan niệm, đây là thời điểm phù hợp nhất để thực hiện nghi lễ nêu trên.

“Chạy mộ”, hỉ nộ ái ố xoay quanh

Gần đây, nhiều nơi có khu nghĩa trang mới, mộ phần đã được xây thành hàng lối, quy định kích thước rõ ràng, cùng quay về một hướng nhất định. Người dân gọi vui là “biệt thự liền kề”. Chẳng hiểu sao, cũng có nơi chỉ thống nhất được thời điểm đầu, về sau thay đổi theo thời cuộc. Nói cách khác đó là xu thế, trào lưu, mốt mộ mới lên ngôi, kiểu dáng không thống nhất và mang tính tự phát. Bên cạnh đó, có gia đình chọn gửi tro cốt của người mất lên chùa. Đây cũng là cách, nhằm giảm thiểu quỹ đất xây mộ.

Mộ di rời được Nhà nước hỗ trợ (đền bù) khá thỏa đáng, đâu đó theo kích thước và kiều cách, giao động từ vài triệu đến vài chục triệu (vnđ). Người dân thấy hợp tình hợp lý, nên không mấy ai ý kiến, ý cò. Nhưng khổ nỗi, cũng chỉ vì tiền đền bù mộ, mà nhiều gia đình anh em, con cháu tranh giành, dẫn đến “tan đàn xẻ nghé”. Người mất mà thấy được, chắc cũng không vui. Trái lại, nhiều gia đình khác có cớ để quy tụ, hợp sức, hợp lòng lo cho ông bà, tổ tiên. Các cụ có khi cũng “khúc khích mỉm cười nơi chín suối”.

Nhà nào ít thì 1-2 mộ phải chuyển. Nhà nhiều thì trên dưới chục ngôi. Có nơi “bay sạch” cả nghĩa trang - cuộc di rời lịch sử. Dù rằng đã có khu nghĩa trang mới, nhằm giảm tải cho khu cũ, và cũng là hình thức quy hoạch lại. Ấy vậy, không ít gia đình vì không muốn bị khống chế việc xây dựng. Do đó, họ để các cụ “ngự” tại khu cũ. Từ trên cao nhìn xuống muôn hình, muôn vẻ, “đầu xiên, đuôi thẹo”, nói chung là rối mắt. Chưa kể chen chúc, sát nhau, thậm chí đến lối đi còn không có. Chuyện cãi cọ giữa các gia đình cũng vì thế nảy sinh, gây mất hòa khí, tình làng nghĩa xóm rạn nứt. “Trên trần còn như thế, không biết dưới âm các cụ ra sao? Có quen nhà mới, khu ngự mới, hàng xóm mới hay không?” - người dân dí dỏm với nhau vậy.

Nhà có tiền thì mua mộ đá sẵn, to đẹp, vài chục triệu (vnđ), đặt theo hướng “đầu tựa sơn, chân đạp thủy”, quy tụ các mộ thành một khu, hao hao lăng tẩm. Nhìn là biết con cháu có điều kiện, bảo ban được nhau. Nhà không có điều kiện thì xây hình khoanh bí, miệng như vành thúng, âu cũng là một mộ, hoặc kiểu cách đơn giản khác. Cũng có nhà dù điều kiện không có, nhưng phải cố gắng xây sao bằng mộ hàng xóm. Nếu úi xùi quá, e rằng các cụ dưới đó tủi thân. Họ cho rằng vậy.

Ảnh minh họa

Chuyển các cụ về “nhà mới” cũng có nhiều “thủ tục hành chính phần âm”. Tức là phải mướn thầy về làm lễ (cúng). Nhà nào coi trọng việc âm phần, thì mời thầy giỏi (hạng A), đàn lễ to. Nhà nào xuề xòa hoặc điều kiện không có thì nhờ thầy bình dân (hạng B). Cũng nhiều gia đình ”vô sư vô sách, quỷ thần bất trách” tự khấn nôm na, gọi là có.

Nói gì thì nói, mồ mả là quan trọng lắm! “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, dân ta xưa nay đều quan niệm vậy. “Sống nhà, chết mồ, mồ mả là nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà - những người sinh thành - dưỡng dục ta nên người. Đây cũng được xem là truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của người Việt - “uống nước nhớ nguồn”.

Tuy nhiên, dù chôn cất các cụ với hình thức nào, to bé ra sao, thì con cháu đều phải đoàn kết, bảo ban nhau. Nhất là việc tuân thủ theo quy định của Ban quản lý nghĩa trang nói riêng, Nhà nước nói chung. Không nên làm sai, ảnh hưởng đến mỹ quan và quy định của địa phương.

Bỗng dưng lại nhớ đến đoạn ca dao, được chuyển thể thành làn điệu hát văn:

“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”.

Bình An