Bom chùm 'Máy khoan' Nga chỉ đánh quân địch, tránh quân mình

Nhân đọc bài 'Sức mạnh đáng sợ bom chùm tàng hình Nga' (DVO,9/6/2021), Xin được bổ sung thêm một số thông tin (trong bài cũng lặp lại một số thông tin, xin bạn đọc thông cảm) qua bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự,nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế Tên lửa TSIMASH Vladimir Tuchkov.

Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 5/6/2020. Sau đây là nội dung bài báo:

Bom bay với tầm bay 30 km “Drel” (Ảnh: Dmitry Reshetnikov / TASS)

Vừa mới đây, người đứng đầu Tập đoàn “Tekhnodinamika” (công ty con của Tập đoàn nhà nước Nga “Rostekh”) Igor Nasenkov cho biết việc sản xuất hàng loạt kiểu bom hàng không đã được chờ đợi từ lâu "Drel" (“Máy khoan”) dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2023 tới.

Quả bom này, quả đúng là đã được mong đợi từ lâu. Và không chỉ bởi vì Không quân Nga đang rất cần nó. Mà còn bởi vì đây là một “công trình” bị kéo dài đến mức không thể tin được.

Xí nghiệp đầu đàn chuyên thiết kế và sản xuất đạn dược cho tất cả các quân binh chủng (Quân đội Nga) - Tập đoàn Khoa học- Sản xuất (NPO) “ Bazalt” (cũng là một công ty con của “Rostekh”) đã triển khai dự án thiết kế “Máy khoan” từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Khi tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của nước Nga bắt đầu thoát ra khỏi tình trạng bị hạ đo ván do sự sụp đổ của cả ngành công nghiệp, một tia sáng đã lấp ló ở cuối đường hầm.

Vì thế nên vào giữa những năm 2000, Bộ Quốc phòng Nga đã ra thông báo cho biết rằng việc sản xuất hàng loạt “Drel” sẽ được khởi động vào năm 2017.

Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Năm 2019, tại Triển lãm Vũ khí Quốc tế ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) IDEX-2019, Tổng Giám đốc Tập đoàn “Tekhmash “ (một công ty con khác của “Rostekh”) Vladimir Lepin thông báo rằng chương trình chế tạo bom “Drel” lại bị chậm tiến độ.

Nhưng cùng với đó, ông cũng tuyên bố rằng trong tương lai rất gần, các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước kiểu bom này sẽ được triển khai.

Thời khắc được mong chờ này đã đến vào cuối năm ngoái (2020). Và nếu như mọi việc suôn sẻ thì quả bom này sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2022. Thành thử, dây chuyền sản xuất hàng loạt sẽ được triển khai vào năm 2023.

"Máy khoan" được chế tạo chủ yếu để trang bị cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 mới nhất Su-57. Chính vì vậy mà đang còn thoải mái thời gian, vì mãi đến năm 2027 Su-57 mới trang bị hàng loạt cho Không quân Nga.

Các công trình sư thiết kế khẳng định rằng "Drel" – đó là một loại đạn độc nhất vô nhị, không có mẫu nào tương tự trên thế giới. Buộc phải nói rằng đây là một tuyên bố cửa miệng luôn được đưa ra trong các buổi giới thiệu bất kỳ một mẫu vũ khí triển vọng nào.

Và có vẻ như là quả bom này không có gì gọi là “độc nhất vô nhị” cả thật. Bởi vì trên thế giới đang có nhiều kiểu bom bay. Và những phần tử tác chiến trong một số kiểu bom đó có cũng khả năng tự nhắm mục tiêu, có nghĩa là chúng tự mình tìm mục tiêu và tấn công đúng những mục tiêu đó

Tuy nhiên,dù sao thì “Drel” Nga vẫn có sự độc đáo. (Đó là) các phần tử tác chiến của “Drel” có hệ thống phân biệt "địch- ta". Không một quả bom nào khác trên thế giới có được khả năng như vậy.

Và đây là một chức năng vô cùng hữu ích. "Máy khoan" có thể được ném thẳng xuống trận địa, nơi đang diễn ra một cuộc đấu tăng – tăng ta và tăng địch quần thảo nhau, nhưng nó sẽ chỉ tấn công xe tăng địch và không gây bất kỳ “thương tích” nào cho các phương tiện xe bọc thép của quân ta.

Vậy đây là loại đạn như thế nào? Tên chính thức đầy đủ của nó là- bom chùm bay PBK-500U với các bom con tự ngắm mục tiêu SPBE-K "Drel". Trọng lượng của bom- 540 kg. Chiều dài – 3.100 mm, đường kính tối đa - 450 mm.

Độ cao ném bom nằm trong khoảng từ 100 m đến 14.000 m khi tốc độ (phương tiện mang, tức máy bay) từ 700 km / h đến 1100 km / h.

Quả bom chứa 15 phần tử tác chiến (bom con), được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện xe bọc thép, các công trình kỹ thuật kiên cố, các radar phòng không và các sở chỉ huy của đối phương.

“Drel” – đó là bom bay. Sau khi tách khỏi máy bay, nó bay đến điểm định trước theo tín hiệu điều khiển GLONASS. Bom bay bằng các cánh có thể thu vào (cánh gấp), đường bay được được hiệu chỉnh bằng các bánh lái khí động học. Cự ly bay tối đa tính từ điểm cắt bom là 30 km.

Như vậy là quá đủ để máy bay- phương tiện mang có thể cắt bom khi đang bay ngoài khu vực chịu trách nhiệm của lực lượng phòng không bảo vệ mục tiêu của đối phương.

Khi xuống đến độ cao 250 mét trên một mục tiêu điểm hoặc một cụm mục tiêu, các bom con tách ra khỏi bom mẹ. Mỗi bom con trong số 15 bom con được trang bị một đầu tự dẫn bằng tia hồng ngoại hoặc radar.

Những phần tử tác chiến (bom con) nói trên lao tới mục tiêu dưới sự điều khiển của đầu tự dẫn. Đầu đạn xuyên có khả năng xuyên tới 100 mm lớp giáp thép đồng chất. Vì đòn tấn công được thực hiện từ trên cao vào mặt trên của xe tăng, nơi có lớp giáp bảo vệ mỏng nhất, nên khả năng như vậy là thừa đủ.

Có thông tin cho rằng trên thực tế radar của hệ thống phòng không / phòng thủ chống tên lửa không thể phát hiện được “Máy khoan”. Có vẻ như đây không gì khác hơn một tuyên bố quảng cáo.

Quả thực như vậy, vì hình dạng của quả bom không hề có gì liên qua đến các nguyên tắc của công nghệ tàng hình. Tuy nhiên, cần lưu ý đến một điểm là thân bom được làm bằng vật liệu composite trong suốt đối với sóng vô tuyến. Và các phần tử tác chiến nằm bên trong được xếp theo cách để nhiều lần “triệt tiêu dần” sóng điện từ của radar.

"Máy khoan" còn có một phẩm chất (đáng quý) nữa – đó là tính nhân văn, dù nghe có vẻ rất khó hiểu khi nói về vũ khí- bom đạn. Số là sự nguy hiểm của bom chùm đối với những người dân thường không hề tham gia vào các cuộc xung đột quân sự chính là ở tính chất không lựa chọn của chúng.

Không phải tất cả các đầu đạn (bom con) được ném xuống rải rác trên mặt đất từ bom mẹ đều phát nổ. Và nạn nhân của những đầu đạn chưa nổ này, trước hết là những đứa trẻ tò mò. Do đó, vào năm 2010, đã có một Công ước Quốc tế về việc cấm Bom, Đạn chùm.

Tuy nhiên, Công ước này lại cho phép sử dụng hai kiểu bom chùm sau:

1. Nếu bom mẹ chỉ chứa ít hơn 10 quả bom con, mỗi quả nặng hơn 4 kg và được thiết kế để tấn công một mục tiêu đơn lẻ và được trang bị cơ chế tự hủy điện tử và tự vô hiệu hóa ngòi kích nổ điện tử.

2. Nếu Bom mang các bom con trọng lượng hơn 20 kg.

Về “nhân” (tức các bom con) của "Máy Khoan", tức là, về các thông số về trọng lượng, chúng ta không có thông tin chính thức nào.

Tuy nhiên, không phải là không có cơ sở nếu cho rằng với khối lượng bom 540 kg, hoàn toàn có thế “nhồi” 15 phần tử tác chiến (bom con) nặng 20 kg mỗi bom. Hơn nữa, chúng còn được trang bị cơ chế tự hủy trong trường hợp ngòi nổ bị hỏng.

"Mũi khoan" còn có thể được trang bị các đầu đạn khác. Mười bom- đạn con xuyên bê tông BETAB-M. Hoặc một đầu tác chiến đơn bộc phá- nổ mảnh.

Tại Mỹ, kiểu bom tương tự đã xuất hiện sớm hơn nhiều- vào cuối thế kỷ trước. Và đến cuối những năm 2000, đã có tới 6 phiên bản của nó Đây là bom chùm hàng không JSOW (Joint Standoff Weapon), - những bom này theo phân loại của Lầu Năm Góc lại có ký hiệu là AGM-154, có nghĩa là một tên lửa.

Chúng có thể được coi là bom và cũng có thể được gọi là tên lửa, bởi vì để nâng tầm bay lên trên 100km, một biên thể của JSOW được trang bị động cơ nhiên liệu rắn. Nếu không có động cơ, AGM-154 bay được 110 km, còn với động cơ- nó bay được tới 560 km.

Nguyên lý hoạt động cũng tương tự như nguyên lý hoạt động của "Máy khoan" Nga. Bom mẹ được dẫn tới mục tiêu bằng tín hiệu GPS. Ở giai đoạn cuối, kích hoạt đầu tự dẫn tầm nhiệt hoặc đầu tự dẫn radar.

Có ba loại bom chùm Mỹ. Một trong số đó có 145 bom con công suất nhỏ. Kiểu thứ hai – có 6 quả bom con trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại. Chúng kém hiệu quả hơn nếu so với các phần tử tác chiến của “Drel”.

Nếu như một quả bom của Nga có khả năng tiêu diệt từ 6 đến 10 xe bọc thép, thì với AGM-154, con số này chỉ bằng một nửa. Ngoài ra, các phần tử tác chiến của Mỹ, như đã đề cập ở trên, không có thiết bị phân biệt "địch- ta".

Kiểu bom chùm thứ ba- chứa đạn khoan bê tông để phá hủy các công trình kỹ thuật .

Như chúng ta đã thấy, "Drel" Nga dù cơ bản giống với bom của Mỹ nhưng vẫn có những ưu điểm nhất định. Tất nhiên, ngoại trừ tiêu chí cự ly bay, nếu tính theo tiêu chí này thì tình huống sẽ ngược lại.

Tuy nhiên, có một điều là AGM-154 Mỹ đã tồn tại như một vũ khí được sản xuất hàng loạt từ nhiều năm nay.

Trong khi đó thì đến thời điểm hiện tại, "Máy khoan" Nga mới chỉ là một mẫu thử nghiệm, rồi còn phải đưa vào trang bị cho Không quân (nếu đượcchấp nhận), và sau đó nữa mới được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)