Bỏ việc lương cao để khởi nghiệp với linh kiện ôtô, xe máy

“Đúng là rửng mỡ”, “Đang công việc ổn định thế, nghỉ về nhà để làm gì”, “Để xem được mấy bữa lại chán ngay ấy mà”.

Đó là những lời Nguyễn Ánh Dương (quê Hưng Yên) nhận được từ người xung quanh khi bất ngờ thôi làm quản lý tại công ty chuyên về sản xuất linh kiện, thiết bị với mức thu nhập khá.

Tại thời điểm dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho cuộc sống, anh quyết định ở nhà để theo đuổi niềm đam mê decor cơ khí nghệ thuật.

Anh Dương đến với mảng decor cơ khí từ hơn một năm nay và tự tay làm ra nhiều sản phẩm.

“Ở tuổi 33 không còn quá nhiều cơ hội nghề nghiệp, dừng lại hay rẽ sang hướng đi khác là điều bất cứ ai cũng phải trằn trọc suy nghĩ, nhất là khi 2 con của mình còn rất nhỏ. Mọi người sốc, cho rằng đó là quyết định hợm hĩnh và nông nổi. Nhưng đó là điều mình ấp ủ bấy lâu nay”, Dương nói với Zing.

Không phải ai cũng làm được

Khi mới kết hôn, Dương từng góp vốn mở quán bia nhỏ khá đông khách nhưng vì bố lâm bệnh, anh tạm gác lại để chăm sóc ông. Thương vợ hàng ngày đi làm xa nhà 30 km, anh xin vào công ty ở gần nơi chị làm việc.

Ba năm trôi qua, dựa vào năng lực, sự nghiêm túc và cống hiến cho công việc, từ nhân viên bảo trì, Dương trở thành quản lý bộ phận và được sếp giao thêm nhiều mảng khác.

Đó cũng là cơ hội để anh bén duyên với decor cơ khí nghệ thuật và làm ra nhiều sản phẩm độc đáo.

“Hai vợ chồng mình cùng thích kinh doanh, nên việc làm công ăn lương là điều không tính lâu dài. Thế nhưng, vợ sinh 2 bé liên tiếp trong 2 năm nên mình gác lại đam mê để trụ vững tài chính trước. Sau khi bà xã trở lại với công việc, mình quyết định nghỉ việc để làm mảng decor cơ khí”, anh nói.

Một số sản phẩm anh Dương tạo ra khi còn làm ở công ty cũ.

Nửa tháng nay, Dương tận dụng nhà riêng ở khu An Xá, huyện Kim Động làm nơi bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp. Mọi người biết tới và đặt hàng anh làm con rồng, con gà, đồng hồ decor. Trong vòng 6 tháng tới, anh dự tính mở xưởng, thuê thêm người.

Ban đầu, Dương tham khảo các mẫu decor có sẵn để học hỏi, rồi vận dụng linh kiện có sẵn để sáng tạo theo cách của mình. Anh cũng học thêm kỹ thuật cắt gọt, hàn cơ khí và luyện tập hàng ngày để nâng cao tay nghề.

Theo Dương, quy trình để làm ra một sản phẩm là lên ý tưởng, hình dung ra hình dáng, sau đó dựa vào linh kiện sẵn có để cắt gọt, lắp ghép, lên khung và hàn gắn chi tiết. Sản phẩm hoàn thành thô có thể để nguyên để giữ cái hồn của cơ khí hoặc mài giữa, sơn sửa lại cho đẹp mắt hơn theo nhu cầu khách hàng.

Tùy từng sản phẩm, thời gian hoàn thành sẽ khác nhau. Ví dụ, con muỗi đơn giản, Dương có thể làm trong buổi sáng. Con tắc kè nhiều chi tiết hơn, anh mất một ngày hay con rồng thì cần khoảng 2-3 ngày.

Với mô hình đồng hồ hay bàn livestream có gắn động cơ để tạo ra chuyển động của bánh răng, khớp nối và xích tải, thời gian hoàn thiện sẽ lâu hơn.

“Khó khăn lớn nhất là thiếu nhân công vì mảng này không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, tâm huyết và có chút mỹ thuật. Hiện mình phải tự làm một mình nên khá kỳ công”, anh nói.

Dương tiết lộ giá bán tùy theo từng sản phẩm: đơn giản, nhỏ xinh thì khoảng vài trăm nghìn đồng; nhiều chi tiết hơn thì dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu. Anh lý giải những sản phẩm decor cơ khí giá trị ở chỗ độc, lạ và đặc trưng bởi tính thủ công, mang nhiều tâm huyết của người làm nên giá bán sẽ cao hơn các sản phẩm trưng bày thông dụng.

Theo Dương, nghề decor cơ khí đòi hỏi người làm có sự tỉ mỉ, tâm huyết và tính mỹ thuật.

Khi nghe nhiều lời nói không hay về quyết định của mình, Dương nói anh không mấy bận tâm vì đã xác định rõ hướng đi.

“Mình đam mê công việc này ở chỗ được thổi hồn vào những linh kiện nặng nề, cục mịch. Cảm giác được thỏa sức sáng tạo và giây phút hoàn thành tác phẩm khiến mình rất thích thú”, ông bố 2 con chia sẻ.

Dương nói thêm hiện nay, nhiều người ở Việt Nam thích thú với mảng decor cơ khí nhưng không nhiều người thực sự đam mê và có khả năng làm được. Anh cũng tham gia một số hội, nhóm online quy tụ người có chung đam mê để giao lưu, học hỏi.

Sống ý nghĩa hơn

Khi nghe chồng kể về decor cơ khí nghệ thuật ở những lần đầu, chị Đỗ Thị Nga (27 tuổi), vợ anh Dương, còn mơ hồ và đầy nghi hoặc. Tuy nhiên, chị hiểu niềm đam mê của chồng và luôn ủng hộ anh.

“Công việc của chồng đang thuận lợi rồi đột ngột nghỉ, chắc hẳn có chút nuối tiếc và khiến không ít người hoài nghi. Tuy nhiên, mình cảm thấy rất vui mừng vì quyết định ấy! Bởi lẽ anh ấy đã dám đưa ra sự lựa chọn mạo hiểm nhưng đầy nhiệt huyết cho đam mê của chính mình”, chị Nga nói với Zing.

Chị Nga háo hức mỗi khi được thấy chồng làm ra sản phẩm mới.

Trước dấu mốc chuyển đổi trong sự nghiệp của anh Dương, chị Nga nhắn nhủ chồng: “Em từng đọc được ở đâu đó rằng: 'Bất kể bạn học chuyên ngành gì, khi đi làm phải tìm công việc mà mình yêu thích. Như vậy, bạn mới có thể vui vẻ từ 6h sáng đến 18h tối được. Thêm nữa, hãy tìm một người bạn yêu, để ở bên cạnh người đó. Như vậy, bạn mới có thể vui vẻ từ 18h tối đến 6h sáng hôm sau. Đó chính là cuộc sống'. Vậy là từ bây giờ, chồng đã có 24h hạnh phúc mỗi ngày rồi nhỉ?

Em luôn tin tưởng vào câu nói: 'Hãy theo đuổi đam mê và thành công sẽ đuổi theo bạn'. Vậy nên, vợ chồng mình cùng cố gắng cho một khởi đầu mới đầy hứa hẹn và thú vị nhé”.

Người vợ trẻ tâm sự chị rất háo hức khi được ngắm những sản phẩm tâm huyết từ đôi bàn tay của chồng. Anh biến những thứ tưởng chừng thô kệch, cục mịch, lạnh lẽo, nặng nề thành những sản phẩm cuốn hút và có hồn.

“Chặng đường tiếp theo chắc chắn có những khó khăn, nhưng mình tin với sự chú tâm và nhiệt huyết của chồng, chúng mình sẽ gặt hái được trái ngọt. Rồi mai này, vợ chồng mình có thể tự hào kể cho con cháu nghe về một thời ba mẹ, ông bà chúng đã dám đánh đổi cái gọi là 'ổn định' để sống với niềm đam mê, sống có ý nghĩa hơn với cuộc đời”, chị nói.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC