Bộ GD&ĐT yêu cầu chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay những ngày đầu năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, TP triển khai 8 nội dung, hoạt động cơ bản.

Thứ nhất, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành giáo dục với chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đầu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho các môn học trong Chương trình GDPT năm 2018; chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định.

Thứ ba, rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa, nâng cấp trường học, lớp học, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Ảnh minh họa

Thứ tư, bảo đảm cung cấp đủ SGK cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học.

Thứ năm, về việc đón học sinh đầu cấp và tổ chức Lễ khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT lưu ý: Sở GD&ĐT địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, tổ chức cho học sinh tìm hiểu truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường, giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023 thống nhất trên cả nước là sáng 5/9/2022.

Việc tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày Hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Thứ sáu, chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nề nếp học tập ngay sau Lễ khai giảng, ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung, chương trình giáo dục theo quy định. Tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học mới; phối hợp với phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Thứ bảy, chỉ đạo cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học trong đó lưu ý các giải pháp chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Thứ tám, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học, chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn SGK theo Chương trình GDPT năm 2018, hoạt động dạy thêm, học thêm quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định của Bộ GD&ĐT, công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

Trước đó tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trường học”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn hóa trong trường học; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho giáo viên, học sinh, sinh viên, xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời, tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong trường học; xây dựng nội dung, chương trình tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, để mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Hoàng Thanh