Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT: 'Bắt tay' nâng cao giá trị nông sản

Trên tinh thần phối hợp để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo, chương trình giữa 2 Bộ sẽ triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Trong đó chương trình sẽ tập trung chú trọng vào công tác chia sẻ thông tin giữa 2 Bộ, tạo cầu nối để phối hợp truyền thông, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chương trình phối hợp giữa 2 Bộ sẽ hướng tới 7 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, kết hợp việc sản xuất gắn với thị trường. Để thực hiện được nhiệm vụ này, 2 Bộ cần phối hợp để cung cấp thông tin về số lượng sản lượng, sản phẩm nông nghiệp theo định kì, từ đó nối sang công tác tiêu thụ trên thị trường.

Thứ hai, phối hợp, cung cấp thông tin để tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường. Để có thể mở cửa thị trường rất cần nguồn thông tin của tham tán thương mại ở các nước. Bên cạnh đó, hiện nay rào cản từ các thị trường thế giới còn tồn tại rất nhiều, đó là một vấn đề quan trọng mà cả 2 Bộ cần cùng phối hợp để tháo gỡ.

Thứ ba, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ Công Thương sẽ tổ chức các chương trình về thương hiệu quốc gia. Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy những thương hiệu chủ lực như gạo, tôm, cá tra, cà phê… và đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các chợ đầu mối cũng như các trung tâm cung ứng xuất khẩu nông sản sẽ là yếu tố quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại.

Thứ tư, quản lý thị trường, chống buôn lậu hàng giả. Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết một cách hiệu quả.

Thứ năm, thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, hướng tới tiết kiệm năng lượng. Xoay quanh những vấn đề về khuyến nông, khuyến công, cơ giới hóa, yếu tố quan trọng nhất là phải tiết kiệm năng lượng, tận dụng những nguồn năng lượng tự nhiên.

Thứ sáu, tập trung phát triển ngành nghề nông thôn.

Thứ bảy, siết chặt quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyễn Hạnh