Bí thư Hà Nội: Nhân rộng việc khống chế dịch theo mô hình 3 lớp

Thường trực Thành ủy Hà Nội họp với Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Hà Nội đã đã kiểm soát nguồn lây từ 5/8 chùm ca bệnh

Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho biết từ ngày 29/4 đến nay trên địa bàn thành phố ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện với 28 điểm tạm thời phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch.

Về việc khoanh vùng dập dịch với 8 chùm ca bệnh hiện nay, theo lãnh đạo Sở Y tế, với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ các chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh Ấn Độ, chuyến bay VN 160.

Cũng theo bà Hà, liên quan tới chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, hiện số F0 của Hà Nội là 11 người; số F1 là 217 người. Trong khi đó, chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có số F0 của Hà Nội là 2 người, số F1 là 71 người.

Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bắc Ninh (các ca bệnh tại Bắc Ninh có liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2) với số F0 của Hà Nội là 14 người và số F1 là 122 người.

“Ổ dịch của 2 bệnh viện và đặc biệt là từ ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận, vì vậy cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này,” bà Trần Thị Nhị Hà nhận định.

Đại diện Ban Chỉ đạo cho biết để chủ động ứng phó, thành phố xác định xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, quyết định việc xác định sớm ca bệnh để chủ động bao vây, khoang vùng, xử lý, cắt đứt nguồn lây nhiễm, không để lan rộng, ngành y tế đã tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm: tăng cường năng lực lấy mẫu, các đơn vị nâng công suất xét nghiệm.

Hiện công suất xét nghiệm tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày) và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng nguy cơ và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tầm soát phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá nguy cơ để chủ động phòng, chống dịch.

Chuẩn bị sẵn kịch bản cho mọi tình huống

Cũng theo đại diện Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch bệnh, các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong công đồng trong thành phố vẫn rất cao.

Do vậy, đại diện Ban Chỉ đạo kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo sớm phương án phòng chống dịch chuẩn bị trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chỉ đạo có phương án, kịch bản chỉ đạo các đơn vị trong tình hình dịch bệnh bùng phát, lan rộng..

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố kiến nghị thường trực Thành ủy xem xét cơ chế đặc thù trong điều kiện phục vụ công tác phòng, chống đại dịch...

Là một trong ba điểm nóng, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh đề xuất thành phố sớm có vaccine tiêm diện rộng; mỗi địa bàn chỉ đạo có bệnh viện dã chiến; có nơi cách ly ở từng quận, huyện và giao quân đội phụ trách…; chỉ đạo Ban Quản lý khu công nghiệp chế xuất thành phố đảm bảo công tác phòng chống dịch tại chỗ.

“Thành phố xem xét để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và sàng lọc ở các khu có dịch ở huyện triển khai các bước tiếp theo. Đối với 16 ca F1 hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, do Bệnh viện đang được xây dựng, nâng cấp nên huyện kiến nghị Sở Y tế được chuyển 16 trường hợp này về phòng khám đa khoa Tô Hiệu,” Bí thư Huyện ủy Thường Tín kiến nghị.

Về phía Huyện ủy Gia Lâm cũng kiến nghị thành phố cho huyện thành lập khu cách ly tập trung tại C4, C5 Học viện Nông nghiệp; sớm có phương án tổ chức, phân luồng giao thông tại quốc lộ 17 và tuyến đê hữu Đuống; cho xét nghiệm toàn bộ đối với 4 thôn của xã Kim Sơn với 2.178 hộ dân...

Trước ý kiến nêu trên, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, do giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Vì vậy, huyện cần tăng tốc thực hiện các giải pháp, chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt.

Ông cũng lưu ý các tổ COVID -19 cộng đồng của huyện tăng cường nắm bắt biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội.

Chủ tịch thành phố chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Thủ đô kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo các địa phương kích hoạt ngay các khu cách ly tại địa phương và qua rà soát 16 địa phương có thể tổ chức khu cách ly cho 23.000 người.

Bên cạnh đó, việc tổ chức cách ly chặt chẽ không để lây chéo, sau cách ly bàn giao cho địa phương quản lý chặt. Khu cách ly phải có camera, kiểm tra xem camera có kiểm soát hết các hoạt động không…

“Diễn biến dịch bệnh phức tạp, sát ngày bầu cử, đề nghị thành phố nâng mức cảnh báo cao, lãnh đạo các cấp không được rời khỏi thành phố. Trong khi học sinh rời thành phố nhiều, nhiều công dân phải cách ly tập trung nên thành phố cần có phương án đảm bảo quyền bầu cử của công dân,” Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt nêu ý kiến.

Về phía lực lượng công an, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho người lao động, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh và công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ để rà soát quy trình.

“Các đơn vị nên có cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả hơn, cập nhật thường xuyên, ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời mọi mặt công tác,” Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung nói.

Xem xét tạm dừng kinh doanh không thiết yếu như bia hơi...

Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch thành phố, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội.

Nêu việc, vẫn còn chỗ này chỗ kia thực hiện chưa quyết liệt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập… ông Chu Ngọc Anh đề nghị xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi… Ông cho biết thành phố sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người ra sao.

“Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch,” ông Chu Ngọc Anh nói.

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lưu ý các đơn vị về công tác phòng, chống COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định trên cơ sở chủ động dự báo sớm và nhận định đúng tình hình, tính chất, diễn biến của dịch COVID-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn lần trước. Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ rất sớm…

Dù vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố và kêu gọi các cán bộ, đảng viên, người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó ông lưu ý cần ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Dũng cũng nêu cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19) từ đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn đời sống người dân và yêu cầu nhân rộng cách làm hiệu quả này.

“Thành phố không giãn cách phong tỏa một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp thành phố đang làm là đúng và hiệu quả. Không bỏ lọt các F1, F2, F3,” Bí thư Thành ủy nói rõ.

Người đứng đầu Thành ủy nhắc nhở các đơn vị siết chặt các quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện, không để lây lan dịch bệnh. Phát huy tốt hơn vai trò của các tổ COVID-19 tại cộng đồng... và những quận, huyện chưa có ca F0 thì cố gắng không để có ca F0.

Ngoài ra, để tiếp tục triển khai tiêm vaccine phục vụ vụ nhân dân, ông Đinh Tiến Dũng giao Ủy ban nhân dân thành phố chuẩn bị nguồn ngân sách, Mặt trận Tổ quốc thành phố có kế hoạch vận động xã hội hóa nguồn lực tiêm vaccine phòng dịch COV-19 trên địa bàn cũng như quan tâm đối với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; chủ động chuẩn bị các nhu yếu phẩm không để thiếu hàng, trục lợi, sốt giá…

“Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không phải việc gì cũng đẩy cho lực lượng tuyến đầu. Như việc xử lý hàng quán hoạt động sai quy định không phải cứ 'đẩy' hết cho công an mà các lực lượng khác cũng phải vào cuộc,” Bí thư Thành ủy nhắc nhở.

Ông Dũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn mình.

Nơi nào nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh COVID-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo quy định.

“Về cơ chế thông tin, báo cáo... đề nghị các đồng chí phải thực hiện khẩn trương, tốc độ 'như thời chiến,' tăng cường ứng dụng thông tin qua các kênh, bảo đảm kịp thời cho phục vụ yêu cầu lãnh đạo chính xác, hiệu quả, phải có báo cáo giờ, thậm chí từng phút theo diễn biến của dịch,” Bí thư Thành ủy chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy nêu rõ, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô…/.

Xuân Quảng (Vietnam+)