Bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa: Bài 1. Bức tường thành vững chắc

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng Bộ đội Biên phòng, cùng sự tham gia tích cực của nhân dân, những năm qua, khu vực biên giới của tỉnh ta luôn được giữ vững, ổn định, tạo nên bức tường thành vững chắc, bảo vệ và xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - ào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Giọng nam

Giọng nam

Giọng nữ

Giữ vững chủ quyền an ninh biên giới

ơn La có đường biên giới dài hơn 274 km, với 126 cột mốc quốc giới, trên 125 vị trí, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào). Khu vực biên giới của tỉnh có 17 xã thuộc 6 huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã và Sốp Cộp.

Trung tâm xã biên giới Chiềng Khương.

Khẳng định rõ vai trò chuyên trách của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, suốt chặng đường 60 năm kể từ ngày thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ, hàng nghìn đối tượng vi phạm chủ quyền an ninh biên giới, ngăn chặn đẩy lùi nhiều hoạt động vi phạm khác, bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới, không để xảy ra đột biến xấu trên biên giới và làm tốt công tác đối ngoại biên phòng. Tham gia đàm phán, tổ chức tăng dày, tôn tạo cột mốc tuyến biên giới Việt Nam- Lào được 125 cột mốc. Làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, lực lượng BĐBP tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức cho nhân dân ký kết tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới. Duy trì hoạt động thường xuyên của 525 tổ tự quản về an ninh trật tự khu vực biên giới, với gần 3.900 thành viên; 72 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, với trên 4.200 hộ gia đình, tạo vành đai khép kín dọc tuyến biên giới, tham gia bảo vệ vững chắc khu vực biên giới của tỉnh.

Trong hoạt động, đơn vị thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với hoạt động tình báo gián điệp, xâm nhập trái phép qua biên giới, các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do và các loại tội phạm hình sự. Xác lập và phá thành công nhiều chuyên án phản động, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo lôi kéo tập hợp lực lượng trong âm mưu tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông” và tội phạm ma túy xuyên quốc gia...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp và tổ tự quản bản Cang Cói, xã Mường Lạn tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, đơn vị chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ biên giới và tăng cường kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cơ sở, nhất là địa bàn trọng điểm. Tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn, diễn tập cụm tác chiến biên phòng và diễn tập khu vực phòng thủ huyện, tỉnh đều đạt kết quả tốt.

Tự hào về truyền thống của đơn vị, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chia sẻ: Trải qua hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP Sơn La đã kế thừa truyền thống chiến đấu anh dũng của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam, cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và các đơn vị vũ trang trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trong mọi tình huống. Xây dựng và củng cố vững chắc tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Thế trận biên phòng toàn dân vùng "phên dậu"

Xây dựng “Thế trận toàn dân”, “Thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc ở khu vực biên giới luôn là nhiệm vụ chính trị trung tâm, quan trọng của lực lượng BĐBP. Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới chung sức, đồng lòng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thực hiện Đề án “Bố trí cán bộ BĐBP tăng cường tham gia cấp ủy cấp xã biên giới, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã”, đến nay, có 6 đồng chí chỉ huy các đồn biên phòng tham gia cấp ủy của 6 huyện biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh điều động 17 cán bộ tăng cường cho 17 xã biên giới, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, phân công 215 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp giúp đỡ 424 hộ gia đình và 158 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 130 chi bộ bản biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật.

Thiếu tá Bùi Xuân Dũng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chia sẻ: Tôi và đồng đội được đơn vị phân công về sinh hoạt tại chi bộ các bản giáp biên giới và chi bộ đặc thù của xã. Qua các cuộc sinh hoạt, chúng tôi nắm thêm được tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy đơn vị giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới vận động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, sự hỗ trợ ngày công của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh để giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, phát huy hiệu quả các dự án do BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư, như: Đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch... với tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2023 trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì các mô hình “Trồng cây ăn quả trên đất dốc”, quy mô 4,7 ha mận hậu tại xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu; 2,6 ha cây chanh leo tại xã Lóng sập, huyện Mộc Châu...

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, trao đổi kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc với nhân dân trong xã.

Các Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Ngày hội biên phòng toàn dân”, mỗi năm hỗ trợ từ 600 - 1.200 suất quà tết cho người nghèo tại các xã biên giới. Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” đã hỗ trợ 155 cháu có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực biên giới, với mức 600.000 đồng/cháu/tháng học (hỗ trợ 9 tháng /1 năm học). “Hũ gạo tình thương” ở 10 Đồn Biên phòng, hỗ trợ 2.800 kg gạo/năm cho các hộ nghèo… Những việc làm trên đã xây dựng được hình ảnh đẹp người lính quân hàm xanh trong lòng nhân dân và góp phần tích cực xây dựng “Thế trận biên phòng toàn dân vững chắc”.

Đại diện Đồn Biên Phòng Mường Lèo và lãnh đạo xã Mường Lèo, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Được BĐBP giúp đỡ, anh Sồng A Chống, bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, xúc động: Sau 5 năm mắc nghiện ma túy, năm 2018, tôi được các anh bộ đội ở Đồn Biên phòng Chiềng Sơn vận động đi cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh; hai năm sau được trở về địa phương. Cuối năm 2023, gia đình tôi được các chiến sĩ biên phòng hỗ trợ 20 triệu đồng và gần 40 ngày công lao động để xây dựng nhà ở mới và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Hiện nay, gia đình có 2 con bò sinh sản; trồng gần 1 ha ngô. Tôi còn đi làm phụ xây, với mức tiền công 300 nghìn đồng/ngày. Tổng thu nhập của gia đình đạt 150 triệu đồng/năm. Tôi rất biết ơn các anh BĐBP đã động viên và giúp tôi làm lại cuộc đời.

Xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng trong tình hình mới, hằng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh công tác đối ngoại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các đồn biên phòng tham mưu cho Đảng ủy, UBND các huyện, các xã biên giới về công tác hoạt động đối ngoại nhân dân hai bên biên giới và hỗ trợ nước bạn Lào.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh và Đại đội Biên phòng 211, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) tuần tra song phương

Trao đổi về nhiệm vụ này, Đại tá Nguyễn Đình Huân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chia sẻ: Đơn vị đã tham mưu tổ chức ký kết các Biên bản hợp tác, ghi nhớ với các tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào. Thường xuyên thông báo, trao đổi tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Xác minh đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các tổ chức phản động, đối tượng chống phá Đảng, chính quyền hai nước; hoạt động tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia thành lập “Nhà nước Mông” và các hoạt động tuyên truyền gây mất ổn định an ninh chính trị, ảnh hưởng đến tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đồng thời, triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào, nhất là với các tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang.

Năm 2013, chủ trương ký kết nghĩa giữa các bản hai bên biên giới Việt Nam - Lào được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Châu chỉ đạo Đồn Biên phòng Chiềng On và Đồn Biên phòng Chiềng Tương phối hợp, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền 4 xã Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng và Chiềng Tương tổ chức kết nghĩa 7 cặp bản. Trong những năm qua, nhân dân các cặp bản kết nghĩa luôn đoàn kết, tích cực tham gia với lực lượng bảo vệ biên giới của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình, đạt lý, đảm bảo đúng Hiệp định về quy chế biên giới và pháp luật của mỗi nước. Việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã góp phần quan trọng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

BĐBP tỉnh Sơn La chuyển trao 2 tấn gạo cho Đại đội Biên phòng 213, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).

Ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết:Xã có hai cặp bản Lao Khô I (Việt Nam) - bản Nà Khạng (Lào); bản Bó Sinh, Lao Khô II (Việt Nam) - bản Pha Lóng (Lào). Các cặp bản thường xuyên phối hợp giải quyết các vụ việc xảy ra có liên quan đến hai bên biên giới. Nhân dịp ngày lễ, tết của mỗi bên, nhân dân các cặp bản thăm hỏi, động viên nhau; tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; cung ứng vật tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nhân dân các bản bên nước bạn.

Hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La và Bộ CHQS, Công an tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào) tổ chức Hội đàm thường niên. Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Biên bản thỏa thuận giữa Bộ Tư lệnh BĐBP/Bộ Quốc phòng Việt Nam với Cục BĐBP/Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Lào. Theo đó, trung bình một năm, lực lượng chức năng hai bên biên giới đã tổ chức 40 lượt tuần tra song phương trở lên. Duy trì nghiêm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở trên biên giới, tạo thuận lợi cho lưu thông biên giới đúng quy định của pháp luật mỗi nước, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào. Lực lượng BĐBP tỉnh Sơn La còn hỗ trợ nguyên vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt... cho đơn vị quân đội thuộc tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang...

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Cai và Đại đội 212 (nước CHDCND Lào) thực hiện nghi thức chào cột mốc.

Về các vùng quê biên giới của tỉnh hôm nay, cảm nhận rõ cuộc sống của nhân dân đang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khu vực biên giới của tỉnh còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là hoạt động tôn giáo trái pháp luật; di cư tự do; tranh chấp đất đai; mâu thuẫn dòng họ... Tỷ lệ hộ nghèo cao, có địa bàn số hộ nghèo và cận nghèo lên chiếm trên 40%. Hoạt động của tội phạm ma túy ở một số địa bàn khu vực biên giới diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng manh động sử dụng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Trước tình hình đó, lực lượng BĐBP tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, triển khai chủ trương, biện pháp nghiệp vụ, thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc vùng “phên dậu” của Tổ quốc.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên