Bảo đảm trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp với người lao động

Theo quan niệm quốc tế thì “trách nhiệm thực hiện ASXH của DN là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”. Có nhiều cách diễn giải khác nhau, tuy nhiên có thể hiểu trách nhiệm ASXH của DN bao gồm các yếu tố: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với NLĐ (dạy nghề, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), an toàn lao động); trách nhiệm chung với cộng đồng (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội). Từ những yếu tố cấu thành này có thể chia trách nhiệm ASXH của DN đối với NLĐ thành trách nhiệm bắt buộc và trách nhiệm tự nguyện.

Khu vực làm việc dành cho lao động ưu tiên, lao động nữ đang mang thai hoặc cho con bú tại Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên).

Về trách nhiệm ASXH bắt buộc, hiện nay còn không ít DN chưa thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp ASXH cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, thời điểm tháng 10-2019, cả nước có 610.000 DN hoạt động nhưng chỉ có 327.000 DN tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, còn khoảng 283.000 DN chưa tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Ngoài ra, theo BHXH TP Hà Nội, đến hết tháng 10-2020, toàn thành phố có 68.449 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 4.627,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là 1.820,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ 3,78%, tăng 907,6 tỷ đồng so với tháng 12-2019. Số nợ trên ảnh hưởng tới 1.180.590 lao động trên địa bàn... Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ nói riêng và quỹ BHXH nói chung.

Về thực hiện trách nhiệm ASXH tự nguyện của DN với NLĐ, Luật sư Trần Văn Hùng (Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự) cho biết, ngoài trách nhiệm ASXH bắt buộc với NLĐ đã được quy định trong luật thì DN phải xây dựng các chính sách phúc lợi cho NLĐ, như: Đáp ứng nhu cầu vật chất cơ bản (ăn uống, vệ sinh...); dịch vụ y tế khác (điều dưỡng, phục hồi chức năng thể chất, tinh thần...); dịch vụ giáo dục, giải trí; chính sách ưu đãi tài chính, vay vốn, giúp đỡ lao động có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng... Những chính sách này không chỉ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ mà còn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện trách nhiệm ASXH tự nguyện của DN hiện nay vẫn được xem là hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo chứ chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu bảo vệ, hỗ trợ NLĐ trong DN. Theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, có thể thấy pháp luật tạo cơ hội mở cho DN nếu DN thực hiện trách nhiệm ASXH tự nguyện như là trách nhiệm bắt buộc. Cụ thể, cho phép DN chi những khoản chi có tính chất phúc lợi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập DN...

Bà Khúc Thị Dậu, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà chia sẻ: "Ngoài việc quan tâm đến lợi nhuận, DN cần phải chú trọng nâng cao mức sống và chất lượng sống cho NLĐ vì NLĐ là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của DN. Chúng tôi xác định, trách nhiệm quan trọng nhất đối với NLĐ là thực hiện tốt các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, như: Thanh toán tiền lương một cách công bằng; bảo đảm cung cấp điều kiện làm việc lành mạnh và bền vững; sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ... Bên cạnh đó, phải cung cấp các hoạt động phúc lợi thiết yếu cho NLĐ đúng cách, đúng thời điểm. Đặc biệt, chú trọng đến các chính sách phúc lợi dành cho lao động nữ. Chúng tôi nhìn nhận trách nhiệm ASXH đối với NLĐ như một ưu thế để thu hút và trọng dụng nhân tài".

Chính sách ASXH được Nhà nước xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế bền vững, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để phù hợp với xu thế phát triển chung của quốc tế thì việc thực thi trách nhiệm ASXH của DN với NLĐ cần có những quy định mang tính nâng cao hơn. DN cần xác định trách nhiệm bảo đảm ASXH với NLĐ như một vấn đề mang tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của DN chứ không chỉ là hoạt động mang tính nhân đạo. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Khi hội nhập quốc tế, DN thực hiện tốt trách nhiệm ASXH với NLĐ sẽ khẳng định được thương hiệu, uy tín của DN với đối tác, đây là lợi thế lớn để DN mở rộng thị trường. Đồng thời, quyền lợi NLĐ được bảo đảm, năng suất lao động được nâng cao, DN sẽ giữ chân được NLĐ có chất lượng".

Bài và ảnh: DƯƠNG SAO