Báo chí khơi nguồn cảm hứng

Chuyên mục WOW! Thanh Hóa trên nền tảng số.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu, định hướng cho từng giai đoạn cụ thể. Trong đó chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh CĐS toàn diện, đặc biệt ưu tiên đầu tư, phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa hình ảnh Thanh Hóa trên môi trường số. Thực hiện chủ trương này, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động CĐS với nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ CĐS DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về CĐS. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.

Thực hiện chủ trương này, các cơ quan báo chí của tỉnh đã đi đầu, tích cực chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, trang thiết bị, mua sắm bản quyền của nhiều ứng dụng tiên tiến vào vận hành tòa soạn cũng như công tác quản lý hành chính. Đồng thời tích cực tập huấn, đào tạo nâng chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo hướng bắt kịp với xu thế công nghệ truyền thông tiên tiến của thế giới. Thông qua đó nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ thông tin nhanh nhạy, kịp thời, trung thực, khách quan các sự kiện chính trị - xã hội, những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội của tỉnh, từ đó định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực. Trong đó việc giới thiệu tiềm năng, lợi thế về thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh tốt đẹp hình ảnh vùng đất và con người Thanh Hóa là một trong những nhiệm vụ được các cơ quan báo chí của tỉnh đặt lên hàng đầu.

Nhận thức rõ xu thế truyền thông trong kỷ nguyên số, Báo Thanh Hóa đã nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) cho các ấn phẩm báo in và báo điện tử một cách khoa học, bài bản. Đổi mới giao diện Báo Thanh Hóa điện tử và chuyên trang Văn hóa & Đời sống theo hướng tương thích với tất cả các loại thiết bị di động và thân thiện với người dùng. Tất cả các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đều được truyền tải rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng mạnh dạn đầu tư, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất nội dung như chuyển đổi văn bản thành giọng nói, đầu tư phần mềm Shorthand, phối hợp với các đối tác để tối ưu hóa và phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động cộng đồng... Sự chuyển mình mạnh mẽ trong môi trường số, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, cùng đội ngũ phóng viên năng động, sáng tạo, bản lĩnh, đáp ứng tốt yêu cầu thời đại đã phản ánh kịp thời, chính xác thông tin tất cả mọi mặt của đời sống. Đồng thời, đem lại hiệu quả rõ rệt trong đổi mới quy trình xuất bản các ấn phẩm và phân phối nội dung đến độc giả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, Báo Thanh Hóa cũng đã và đang xây dựng ứng dụng đọc Báo Thanh Hóa trên App Store và Google Play, giúp bạn đọc tiếp cận nội dung một cách nhanh nhất. Báo Thanh Hóa cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống studio và thiết bị chuyên dụng để sản xuất bản tin video hằng ngày, xây dựng phần mềm lọc tin và ứng dụng các mạng xã hội trong công tác xuất bản.

Theo số liệu công khai trên SimilarWeb được ONECMS Blog tổng hợp, Báo Thanh Hóa điện tử (baothanhhoa.vn) luôn đứng trong top 6 báo Đảng địa phương có lượng truy cập cao nhất cả nước. Với sự chuyển mình lớn mạnh không ngừng, các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đã trở thành nền tảng, cơ sở quan trọng để quảng bá mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, trong thu hút đầu tư của tỉnh, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp về vùng đất và con người Thanh Hóa trên nền tảng số.

Ông Ngô Quang Tự, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, cho biết: Thông tin, hình ảnh xứ Thanh đã và đang được Báo Thanh Hóa thể hiện khá đa dạng, phong phú ở các loại hình báo chí, đáp ứng nhu cầu mọi lứa tuổi bạn đọc trong tỉnh và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng trên các nền tảng số. Hiện Báo Thanh Hóa đã xây dựng một số chuyên mục mới như “WOW!Thanh Hóa”, “Review OCOP - đặc sản xứ Thanh”, “Về với xứ Thanh”, “Podcats 6h hàng ngày”, “Góc nhìn trong tuần”... với cách thể hiện mới mẻ, sáng tạo, hình ảnh đẹp, hấp dẫn, đã và đang chinh phục đông đảo bạn đọc, trong đó có “tệp” khách hàng trẻ”.

Cũng như Báo Thanh Hóa, truyền thông trên nền tảng số được Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa quan tâm với việc đầu tư các hệ thống công nghệ mới phục vụ sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh 2 kênh truyền hình và phát thanh, đài đã phân phối nội dung số trên nền tảng mạng xã hội và nền tảng internet. Trong đó, ưu tiên sử dụng hệ thống quản lý phân phối nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội có sẵn facebook (207.000 lượt), youtube (348.000 lượt), zalo (3.000 lượt), tiktok (300.000 lượt)... Các nền tảng truyền thông không những đã mang lại cho đài lượng công chúng đông đảo mà còn đa dạng “tệp” khách hàng với đủ lứa tuổi, từ đó gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời, đài chú trọng hệ thống phân phối trên nền tảng internet, đưa các chương trình của mình góp mặt trong ứng dụng OTT lớn như: VietOn, FPT, VTC cap, VTC... Từ đó, những thông tin, hình ảnh về đất và người xứ Thanh tiếp cận được với đông đảo các khách hàng trong, ngoài tỉnh và trên thế giới.

Đặc biệt, các chuyên mục của đài như “Thanh Hóa góc nhìn từ trên cao”, “Thanh Hóa đi để yêu”, “Thanh Hóa ngày mới”, “Sắc màu dân tộc xứ Thanh”... đã đem đến cho khán thính giả cái nhìn toàn diện về bản sắc văn hóa, vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh trên khắp các địa phương trong tỉnh.

Có thể thấy, các cơ quan báo chí tỉnh nhà đã chuyển mình mạnh mẽ, thích ứng với thời cuộc, làm chủ xu thế để hoàn thành “sứ mệnh” thông tin của mình, trong đó có việc lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người xứ Thanh trên nền tảng số. Thông qua đó không những góp phần định vị “thương hiệu” Thanh Hóa, đưa hình ảnh quê hương vươn ra thế giới, thu hút đặc biệt sự chú ý của du khách, mà còn bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là giới trẻ. Từ đây, các cơ quan báo chí của tỉnh còn góp phần tạo ra nguồn cảm hứng, thu hút sự vào cuộc của giới trẻ và cộng đồng tích cực vào cuộc, chung tay lan tỏa hình ảnh Thanh Hóa vươn cao, bay xa.

Không chỉ các cơ quan báo chí tỉnh nhà, mà các cơ quan báo chí Trung ương đều dành sự quan tâm, thời lượng đăng tải thông tin quảng bá hình ảnh tốt đẹp về vùng đất, con người Thanh Hóa. Trong đó, có nhiều bài viết đi sâu quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Thanh Hóa thông qua hệ thống di tích đồ sộ, lễ hội lung linh sắc màu; hay những tin, bài, ảnh, video quảng bá những thành tựu rực rỡ trong hành trình phát triển quê hương... Hình ảnh du lịch, vẻ đẹp của xứ Thanh được thể hiện dày đặc trên các báo điện tử, trong đó chủ yếu là các thông tin tích cực, mang tính lan tỏa mạnh mẽ. Đó là lợi thế hiệu quả truyền thông mà Thanh Hóa đã tạo ra trong những năm qua, cũng thấy được sức hút của Thanh Hóa đối với các cơ quan truyền thông.

Ông Lê Văn Nam, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, cho biết: “Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã bắt kịp xu hướng CĐS, từ đó đóng góp tích cực trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Thanh Hóa ra các địa phương trong nước và thế giới”.

Bài và ảnh: Phan Thị