Bác sỹ Ngô Đức Hùng: Chấp nhận mang tiếng xấu để lan tỏa điều tử tế

Bác sỹ Ngô Đức Hùng ký sách tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Một buổi chiều êm ả, khu điều trị ổn định không phải can thiệp gì nhiều, bác sỹ Ngô Đức Hùng cùng các đồng nghiệp của mình được về sớm. Đến Hải Dương đã được một tuần, lần đầu tiên anh mới có thời gian ngắm nhìn ánh nắng chiều nhàn nhạt chiếu xuống những tán cây lộc vừng đang kỳ thay lá, chuyển màu đỏ rực dọc bên bờ sông Bạch Đằng. Khung cảnh bình yên ấy khiến anh chợt thèm được mang cốc cà phê ra ngồi phơi nắng và đọc sách.

Nỗi thèm muốn tự do trong thoáng chốc ấy khiến anh hiểu rằng dân tộc đã phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu mới có được. Nay, anh cùng các đồng nghiệp, lúc này đang trên con đường góp công sức giành lại ý nghĩa của sự tự do ấy từ dịch bệnh COVID-19.

Khoác "bộ đồ nuôi ong" lên đường

Bác sỹ Ngô Đức Hùng sinh năm 1981, hiện công tác tại khoa cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai. Sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hội chẩn trực tuyến về trường hợp bệnh nhân nặng tại bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương, anh cùng các đồng nghiệp được lệnh lên đường hỗ trợ các bác sỹ hồi sức trong trường hợp bệnh nhân diễn biến phức tạp cần can thiệp kỹ thuật cao. Ngày 21/2, anh có mặt tại Hải Dương.

Bác sỹ Ngô Đức Hùng dí dỏm ví bộ quần áo phòng chống dịch kín mít dành cho các bác sỹ là “bộ đồ của người nuôi ong.”

Bác sỹ Ngô Đức Hùng tại bệnh viện dã chiến tỉnh Hải Dương. (Ảnh: NVCC)

Trái với những gì anh đã hình dung về một điểm nóng tại nơi tâm dịch, Bệnh viện dã chiến khá bình yên. Tại đây, hàng ngày các y bác sỹ đi kiểm tra sức khỏe, nói chuyện với người bệnh giúp họ yên tâm điều trị. Những bệnh nhân khỏe mạnh thường hay giúp các nhân viên làm vệ sinh bề mặt, tay nắm cửa phòng bệnh... Tất cả cùng làm việc trong không khí hết sức đoàn kết và vui vẻ.

Công việc tại đây so với cường độ tại khoa cấp cứu A9 nơi anh làm việc thì chưa thể bằng được, nhưng lại có áp lực phải quản lý và theo dõi số lượng bệnh nhân khá lớn nhập viện trong thời gian ngắn, nhất là giai đoạn đầu có bệnh nhân nặng.

“Các nhân viên y tế tại địa phương rất nhiệt tình làm việc. Các bệnh nhân rất hợp tác và tuân thủ rất tốt các phương pháp phòng dịch. Mỗi ngày chúng tôi bắt đầu khởi động làm việc từ 6h30 sáng và kết thúc lúc 18h. Hôm nào có bệnh nhân diễn biến nặng như đợt vừa rồi thì nhóm nhân viên y tế sẽ ở lại cho đến khi nào bệnh nhân ổn định mới rút đi nghỉ,” anh nói.

Bệnh nhân nặng nhất viện dã chiến đã bị suy hô hấp nặng, phổi tổn thương trắng xóa, phải sử dụng máy thở, đặt ống nội khí quản, rồi lọc máu, suýt chút nữa thì phải dùng đến vũ khí cuối cùng là ECMO (tim phổi nhân tạo, thực hiện quá trình trao đổi oxy bên ngoài cơ thể).

“Khi bệnh nhân ấy tỉnh lại, mắt bác ấy mở to với vẻ mặt bàng hoàng như chưa thể tin được những việc đã xảy ra với mình. Thật may mắn là tình hình đã tiến triển tốt dần, nếu không thì sẽ tiêu tốn nhân lực vật lực khủng khiếp. Đặt một tình huống giả định, nếu số lượng bệnh nhân nặng nhiều lên, hệ thống y tế phải oằn mình chống đỡ, thì không thể nói trước được tương lai của những bệnh nhân nặng như thế này,” bác sỹ Ngô Đức Hùng cho biết.

Một người bệnh nặng nỗ lực tồn tại được trên cõi đời này là một kỳ tích. Các y bác sỹ đã nỗ lực góp phần cùng bệnh nhân tạo nên kỳ tích ấy.

Bên cạnh những giây phút căng thẳng giành giật sự sống cho bệnh nhân, có những hình ảnh cũng rất đỗi yên bình. Một cậu bé con nhiễm COVID-19 ngồi bên cửa sổ chăm chú học online. Bác sỹ Hùng dọa: “Nếu không đeo khẩu trang là bác cắn cho một cái đấy.” Cậu bé hỏi lại: “Thế bác là sói à?” rồi bác cháu cùng cười. Lại có một cụ bà hàng ngày ngồi đọc kinh bên cửa sổ, bác sỹ lặng lẽ ngắm bà, hình ảnh thật là thanh thản và đẹp đẽ.

Bác sỹ Ngô Đức Hùng hiện công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: NVCC)

Vừa làm bác sỹ, vừa làm giảng viên tại Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Hùng có thói quen quan sát. Anh nhận ra rằng tất cả các bệnh nhân đều có chung một nỗi băn khoăn và áy náy khi mình trở thành nguồn lây cho người khác. Họ sợ bị kỳ thị.

Trong cuộc đời một người tử tế, điều khiến cho họ áy náy, bất an nhất, là lúc họ biết mình trở thành mối họa cho người khác. Dù được các nhân viên an ủi, nhưng sự áy náy chỉ tạm thời lắng xuống, còn nỗi sợ hãi và dằn vặt luôn hiện hữu, sẵn sàng bộc phát bất kể lúc nào.

“Thế nên, động lực lớn nhất của đội ngũ y tế trong lúc này là có thể giúp họ bình tâm lại, yên tâm điều trị để sớm được về với gia đình. Những nụ cười của họ khiến chúng tôi quên cả cái mệt,” anh tâm sự.

Bác sỹ cho hay anh cũng đã phản ứng rất mạnh trước sự kỳ thị và bới móc đời tư người bệnh trên mạng xã hội. Điều đó là tàn nhẫn và họ không đáng bị đối xử như vậy. Bên cạnh những áp lực hiện hữu hàng ngày trong các buồng bệnh thì sự trăn trở ấy chính là áp lực vô hình hàng ngày đè nặng lên các nhân viên y tế.

Theo bác sỹ Hùng, điều khiến những y bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân dương tính sợ hãi không phải là nguy cơ lây nhiễm, sợ bị kỳ thị. Sự tra tấn khủng khiếp nhất trong bộ đồ nuôi ong kín mít cùng cái khẩu trang N95 rất sang xịn ấy, đó là khi ai đó bị ngứa mũi.

“Cảm giác ấy thật khổ sở làm sao. Ngoài ra thì bộ đồ nóng bức khiến chúng tôi luôn kết thúc một ngày làm việc với những chiếc áo ướt sũng mồ hôi. Giá mỗi bộ đồ rất đắt, hơn nữa, vì sự an toàn nên chúng tôi không thể tùy tiện cởi ra cho mát được,” anh chân thành chia sẻ.

Khi được hỏi rằng anh muốn nhắn gửi điều gì đến mọi người trong năm mới, bác sỹ Hùng cho biết anh chỉ mong mỏi một điều duy nhất là sự bình an đến cho tất cả.

Giàu đam mê và lắm tài lẻ

Bác sỹ Ngô Đức Hùng quê ở Bắc Ninh nhưng không biết hát quan họ. Bù lại, anh sở hữu nhiều tài lẻ. Từ thời sinh viên, anh đã nổi tiếng trên các diễn đàn nhờ năng khiếu gấp giấy. Anh còn xuất bản một cuốn sách về nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản, phát hành cả ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đến nay, sách đã tái bản lần thứ 5.

Trái với sự kín tiếng thường thấy ở những người làm ngành y, bác sỹ Hùng rất nổi tiếng trên mạng xã hội với nickname Đốc tờ Húng Ngò, Hùng Ngô hay “bác sỹ đanh đá nhất Vịnh Bắc Bộ.” Anh thẳng thắn chỉ ra cái sai trong thói quen sinh hoạt và chữa bệnh của người Việt, trào lưu anti vắcxin và thực dưỡng thiếu cơ sở khoa học.

Năm 2018, anh đã ra mắt cuốn sách “Để yên cho bác sỹ hiền” tập hợp những câu chuyện nhỏ trong sự nghiệp của mình, những bài học từ việc “khám bệnh trên mạng” và lời khuyên chân thành từ vị bác sỹ cấp cứu hàng ngày đối diện với rất nhiều bệnh nhân nặng.

“Một ca trực cấp cứu ở A9 trung bình đón khoảng 120 bệnh nhân. Bệnh nào cũng nặng cả. Có những lúc bác sỹ không thể làm gì được. Cảm giác lúc đó kinh khủng lắm,” anh nói.

“Những thông tin như thực dưỡng chữa ung thư, detox thanh lọc cơ thể phản khoa học hay việc bài trừ vắcxin (antin-vaccine) trở thành trào lưu hết sức nguy hiểm. Nếu không một ai lên tiếng phản bác lại cứ để trào lưu đó nhân lên thì hậu quả không biết đâu mà lường. Mang tiếng ghê gớm cũng được, cần phải có ai đó nói lên tiếng nói khoa học chân chính. Phải lên tiếng vì những điều tử tế và đúng đắn trước đã. Không thể để cho những thông tin sai lệch về sức khỏe tràn lan trên mạng,” anh tâm sự.

Năm 2019, cuốn sách thứ hai tựa đề “3 phút sơ cứu” là một cẩm nang cho những người không phải y bác sỹ, một cuốn sách y học thường thức dành cho cộng đồng.

Ngoài đam mê viết lách và chia sẻ, anh còn có sở thích hội họa (anh tự vẽ minh họa cho cuốn sách của mình), làm thơ, chơi đàn, ướp trà và pha trà. Vốn là người làm khoa học nên thú chơi nào cũng được anh mày mò đưa thành công thức. Hiện nay anh đã có công thức ướp 30 loại trà khác nhau...

Cách hai ngày, bác sỹ Hùng (phải) cùng các đồng nghiệp sẽ được làm xét nghiệm PCR một lần. Nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc hàng ngày với người bệnh luôn treo trên đầu khiến ai cũng hồi hộp mỗi lần ngoáy họng. (Ảnh: NVCC)

Những ngày ở bệnh viện dã chiến, giờ giải lao, mọi người thường ngủ để lấy sức, nghe nhạc, đọc sách hoặc xuống sân đá cầu với các bạn sinh viên tình nguyện tham gia làm việc tại viện dã chiến. Bác sỹ Hùng thì tranh thủ viết lách một chút để xả stress.

Với những dòng nhật ký tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19, tôi hỏi liệu anh có ý định ra mắt thêm một cuốn sách nữa. Anh trả lời nhẹ nhàng: “Có rất nhiều điều đáng nhớ trong khu điều trị. Mỗi người bệnh là một câu chuyện, tôi rất vui nếu được truyền tải những câu chuyện đó đến với mọi người.”

Khi bác sỹ Hùng đến bệnh viện dã chiến, cả gia đình chỉ biết anh đi công tác đâu đó như những lần trước. “Nhiệm vụ và công việc này, hãy coi nó như những công việc bình thường khác,” anh nói.

Sau những khó khăn trong giai đoạn đầu, hiện tại tất cả đã vào guồng, số ca mắc mới giảm dần đi nên các y bác sỹ cũng bớt áp lực phần nào./.

"Bác sỹ Hùng muốn lan tỏa điều tốt đẹp cho cộng đồng'

Một trong số những đồng nghiệp của bác sỹ Ngô Đức Hùng tại Hải Dương là bác sỹ Trần Hoàng Long (1990), hiện đang công tác tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

"Bác sỹ 'ngoa nhất Vịnh Bắc Bộ' thực ra rất hiền," anh Long cho biết.

“Những người nói thẳng thì thường nói thật. Những gì anh thể hiện trên mạng khiến nhiều người nghĩ rằng ông này ghê gớm lắm, nhưng sâu bên trong thì tôi thấy anh Hùng luôn là người muốn đứng lên để mang đến những điều tử tế, những điều tốt đẹp cho cộng đồng, điều mà đôi khi cuộc sống bộn bề, nhiều áp lực có thể làm cho con người ta quên đi mất,” bác sỹ Long nói.

Bác sỹ Long đã trực chiến ở Hải Dương từ sáng 29 Tết. Anh đã đón một Giao thừa đặc biệt, với tư cách một chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Những ngày đầu tới đây, anh đã phải tiếp nhận khối lượng công việc lớn, cường độ cao, có những đêm số lượng bệnh nhân vào có thể lên tới 20-30 bệnh nhân, có những bệnh nhân có diễn biến bất thường khiến anh quên cả ngủ, đôi lúc cảm thấy như kiệt sức.

“Động lực lớn nhất để vượt qua khó khăn chỉ đơn giản vì mình là một bác sỹ trẻ, làm việc tại bệnh viện tuyến đầu. Hơn nữa, đứng trong hàng ngũ Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì mình luôn phải giữ vai trò là người tiên phong, không ngại khó khăn, gian khổ để phục vụ cho sức khỏe và sự an toàn của nhân dân,” anh nói.

Bác sỹ Long may mắn khi có cả bố và mẹ đều từng công tác trong ngành truyền nhiễm và từng tham gia vào chống dịch SARS năm 2003 nên luôn hiểu và chia sẻ những khó khăn của anh hiện tại. Họ chính là động lực lớn cho anh trong những ngày này.

Minh Thu (Vietnam+)