Bắc Ninh: Xây dựng nếp sống văn hóa trên quê hương Nhân Thắng Anh hùng

Nhà văn hóa thôn Nhân Hữu (xã Nhân Thắng) được xây dựng đồng bộ, hiện đại, trở thành địa điểm sinh hoạt, luyện tập TDTT của người dân trong thôn

Bước vào thời kỳ hội nhập, Nhân Thắng đang vươn lên mạnh mẽ, kinh tế-xã hội phát triển, xã đặc biệt coi trọng việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, quan tâm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều thôn trong xã được công nhận làng văn hóa nhiều năm liên tục, trở thành điển hình của huyện, tỉnh.
Lịch sử Nhân Thắng được ghi lại từ nhà Trần, đời vua Trần Nhân Tông. Khi nhà vua đi qua vùng đất Kinh Bắc có động lòng trước sắc đẹp của người con gái ở thôn Cầu Đào thuộc xã Nhân Thắng nên đã mời nàng tiến cung, phong làm phi, nhưng do bệnh mà không thể sinh long tử, Vương phi Đặng Thị Loan đã xin Vua trở về quê hương. Trở lại quê nhà, bà cùng dân mở chợ Ngụ, dạy nghề, phát triển buôn bán, sản xuất nông nghiệp... Do có công với dân, với nước nên khi mất bà được người dân thờ cúng cho đến tận ngày nay. Từ xưa, Nhân Thắng đã là trung tâm kinh tế văn hóa của khu vực. Năm 2018, xã Nhân Thắng được tỉnh công nhận là đô thị loại V. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương, đoàn kết tập trung giữ vững và nâng cao các tiêu chí đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để sớm đưa Nhân Thắng trở thành thị trấn vì thế phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” càng giữ vai trò quan trọng.
Trao đổi với anh Bùi Thế Duy, cán bộ văn hóa xã Nhân Thắng được biết: Những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo các đoàn thể, các thôn vận động nhân dân gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, tích cực xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Với sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ và người dân, phong trào ngày càng chất lượng, có chiều sâu, nếp sống văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập đang từng bước hình thành. Năm 2020, xã có 7/7 thôn được công nhận làng văn hóa, trong đó có 5 thôn đạt từ 10 năm liên tục trở lên. Các thôn như: Nhân Hữu, Lê Lợi, Ngô Cương đạt làng văn hóa liên tục từ 17-20 năm.
Để đạt những kết quả tích cực, đầu mỗi năm, Ban Chỉ đạo phong trào xã xây dựng kế hoạch triển khai đăng ký gia đình, làng, xã, công sở văn hóa; họp phân công cho các thành viên trong Ban phụ trách từng cụm dân cư có kế hoạch xây dựng hướng dẫn cho Ban vận động các thôn tổ chức rà duyệt, báo cáo kết quả xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Triển khai tới các trường, các thôn thực hiện các quy trình đăng ký cơ quan, đơn vị, làng văn hóa, gia đình văn hóa, các thiết chế văn hóa, hoạt động của địa phương, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện phong trào. Ban Chỉ đạo cũng chủ động tham mưu với Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh sâu rộng trong toàn xã. Đặc biệt, người dân trong xã luôn ủng hộ, nêu cao quyết tâm đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, tạo tiền đề xây dựng mỗi gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương văn minh, hiện đại.
Trên những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì đến các thôn, xóm của xã Nhân Thắng đâu đâu cũng thấy nhà cao tầng, nhịp sống sôi động. Ông Trần Thế Thư, Trưởng thôn Nhân Hữu chia sẻ: Những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, thôn có sự đổi thay mạnh mẽ. Các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư tu sửa, xây mới. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn đều được trải bê tông to, rộng. Thôn có nhà văn hóa mới đáp ứng tốt việc hội họp và nhu cầu tập luyện TDTT của người dân trong xã. 20 năm liên tục thôn được công nhận là làng văn hóa. Điều ghi nhận nhất là nhờ đẩy mạnh phong trào nên đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng cao, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Cũng như thôn Nhân Hữu, 20 năm qua, thôn Ngô Cương được công nhận là làng văn hóa. Diện mạo của làng lúa Ngô Cương hôm nay đang đổi thay từng ngày. Là thôn thuần nông nên khi triển khai phong trào, Ban vận động thôn tập trung đẩy mạnh các hoạt động: Xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến; vận động người dân đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người có công, gia đình chính sách, khuyến học khuyến tài… nên đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp ở Ngô Cương luôn dẫn đầu các thôn trong xã, trên địa bàn hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp. Mặc dù cuộc sống người dân hôm nay đang bước sang thời kỳ phát triển mới, song sự thật thà, chất phác, lối sống nghĩa tình, thủy chung thì vẫn được gìn giữ, phát huy.
Quê hương Nhân Thắng Anh hùng hôm nay đang hòa nhịp phát triển cùng đất nước. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông như mạch nguồn vẫn âm thầm truyền từ đời này sang đời khác và đang được các thế hệ người dân nơi đây tiếp tục gìn giữ, bồi đắp để vững tin bước vào thời kỳ hội nhập.

Lê Đại