Bắc Ninh: Lấp đầy 'khoảng trống' trong thiết chế văn hóa, thể thao

Nhà chứa Quan họ - Thiết chế văn hóa đặc thù của tỉnh Bắc Ninh. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt của liền anh, liền chị tại Nhà chứa Quan họ làng Đặng Xá (Vạn An, thành phố Bắc Ninh)

Ở cấp tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay có: Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà thi đấu đa năng, Nhà hát Dân ca Quan họ, phòng tập thể lực chất lượng cao cho vận động viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh; khu tập luyện Vận động viên Bóng chuyền... Hệ thống quảng trường, tượng đài, công viên có: Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Tượng đài Lý Thái tổ, Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan, Công viên Hoàng Quốc Việt, Công viên Nguyễn Văn Cừ, Đền thờ và Tượng đài Lý Thường Kiệt... Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh thiếu nhi có: Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh với các hạng mục là: Nhà đa năng, khu điều hành, bể bơi và khuôn viên vui chơi dành cho trẻ em... Ngoài ra, Bắc Ninh còn phê duyệt đầu tư xây dựng 14 thiết chế văn hóa đặc thù là “Nhà chứa Dân ca Quan họ”, hiện tại đã đưa vào sử dụng 8 công trình.
Thời gian qua, nhiều thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng mới và tu bổ, nâng cấp hàng năm. Các huyện, thị xã, thành phố cũng tích cực thực hiện quy hoạch quỹ đất và triển khai xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã đến thôn làng, khu phố đạt chuẩn, quy mô lớn, kiến trúc hiện đại, trang thiết bị đầy đủ phục vụ hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, TDTT của nhân dân, tiêu biểu như: Trung tâm Văn hóa Luy Lâu (Thuận Thành), Trung tâm Văn hóa thành phố Bắc Ninh...

Tính đến tháng 11-2020, toàn tỉnh có 123/126 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 108/126 (85.7%) xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao; 609/731 (83.3%) thôn, làng, khu phố có Nhà văn hóa đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhìn chung, các thiết chế văn hóa được đưa vào khai thác, bước đầu phát huy tác dụng trong thực tiễn góp phần nâng cao phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT phát triển sâu rộng và đều khắp, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, nâng cao đời sống thể chất, tinh thần nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng địa phương và nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Thực tiễn chứng minh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đều rất cần thiết, bởi ngay sau khi đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa, các công trình đều nhanh chóng được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện đang còn những “khoảng trống” với nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách phù hợp để vừa nâng cao hiệu suất sử dụng vừa hạn chế lãng phí ngân sách. Đối với thiết chế cấp cơ sở, vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và tâm huyết với công việc để sáng tạo, đổi mới trong tổ chức các hoạt động. Trong khi đó, cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm thỏa đáng, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng, mua sắm các trang thiết bị bên trong các công trình và kinh phí cho duy trì hoạt động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tổ chức các hoạt động ở một số Trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường và Nhà văn hóa, khu thể thao thôn làng hoạt động chưa hiệu quả, tần suất sử dụng ít.
Có một “khoảng trống” khác đối với những công trình mới được đầu tư xây dựng như: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ hay các Nhà chứa Quan họ... và một số công trình cấp huyện cũng lúng túng trong vận hành hoạt động. Đó là bài toán khó mà ngành chuyên môn rất trăn trở, đang tập trung nguồn lực, tìm giải pháp về cơ chế chính sách để làm sao vận hành hiệu quả các thiết chế, phù hợp với công năng sử dụng, có tầm nhìn và giá trị sử dụng lâu bền, tương xứng với sự đầu tư của tỉnh.

Thanh Lâm