Bạc Liêu: Tạo sự minh bạch, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị đánh giá 2 chỉ số PCI – PAPI năm 2020; nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2021 và những năm tiếp theo. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Mặc dù Bạc Liêu rất quyết liệt trong chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tuy nhiên các chỉ số này lại có điểm số và thứ hạng giảm sâu so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Do đó, với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh; tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI và PAPI.

Đứng cuối bảng về chỉ số PCI

Theo báo cáo tại hội nghị đánh giá 2 chỉ số PCI-PAPI năm 2020, nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2021 và những năm tiếp theo do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 28/5, từ năm 2012-2019 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu có tăng về điểm số nhưng thứ hạng liên tục bị giảm so với các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, nếu như năm năm 2012, Bạc Liêu xếp thứ 7/63 thì năm 2015 xếp hạng 33/63, năm 2019 xếp hạng 51/63 và đến năm 2020 xếp hạng 63/63, giảm 12 bậc so với năm 2019.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu xếp hạng 54/63, thuộc nhóm thấp nhất và giảm 19 bậc so với năm 2019.

Lý giải về sự tụt hạng PCI, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phụ trách duy trì thứ hạng và tiếp tục cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có thứ hạng và điểm số cao lại chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp của đơn vị.

Vì vậy, các chỉ số thành phần này lại có điểm số và thứ hạng giảm sâu và cụ thể như chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng…

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp đồng hành cùng chung tay cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Bạc Liêu cũng chưa cao, doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90%.

Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Mặc dù, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhưng kết quả vẫn chưa cao.

Một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư chậm được tháo gỡ và giải quyết do tỉnh chưa có đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan trọng quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho rằng, không nên đỗ lỗi cho các nguyên nhân chủ quan mà phải xác định trách nhiệm của từng Sở, ngành đối với chỉ số PCI và PAPI của tỉnh đạt thấp.

Tỉnh phải quán triệt việc nâng cao chỉ số PCI và PAPI là công việc quan trọng và lấy kết quả làm một trong những tiêu chí đánh giá cuối năm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, tỉnh đưa ra các mục tiêu đẩy mạnh xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh.

Cùng đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; sớm cải thiện cả về điểm số và xếp hạng, phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong danh sách 20 địa phương tốt nhất cả nước và tiếp tục duy trì thứ hạng này.

Tỉnh cũng tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, xem trọng chất lượng hơn số lượng, tập trung vào 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế xã hội là nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện khí; phát triển du lịch; thương mại dịch vụ-giáo dục đào tạo-y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Cụ thể hóa các mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Bạc Liêu phân đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cải cách toàn diện việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia. Sở Công Thương theo dõi, đánh giá và giám sát việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực quản lý.

Tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ cung cấp thông tin pháp luật, thông tin thị trường; tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, giao lưu tìm kiếm đối tác tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, nâng cao số lượng và chất lượng các hội chợ triển lãm tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình cung cấp dịch vụ; tiếp tục thực hiện các chương trình tiếp xúc, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin về các chương trình tín dụng, các biểu phí, lãi suất, điều kiện vay vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, triển khai kịp thời các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng; nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế; cải thiện và minh bạch hệ thống thông tin tín dụng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo…

Nhật Bình (TTXVN/Vietnam+)