Ba Chẽ: Hiệu quả triển khai nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người

Huyện Ba Chẽ tổ chức gặp mặt, biểu dương gia đình tiêu biểu năm 2020.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ Bùi Văn Lưu, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn xác định việc xây dựng văn hóa, con người Ba Chẽ, con người Quảng Ninh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Sau khi Nghị quyết 02-NQ/HU được ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề ra chỉ tiêu thực hiện.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần trong đời sống xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, gắn với thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đồng thời, tập trung quán triệt các nội dung xây dựng văn hóa, con người Ba Chẽ trong tình hình mới “Năng động, chân thành và thân thiện”. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam nói chung, con người Ba Chẽ nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện về thể lực, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, nhân cách, có kỹ năng lao động, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU về nâng cao nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Qua đó, góp phần làm thay đổi căn bản tư duy, nhận thức của người dân Ba Chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ với bản thân, gia đình và xã hội, chăm chỉ lao động, phát triển sản xuất. Hàng trăm hộ nghèo đã viết đơn tự nguyện thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh từ 34,69% (năm 2015) xuống còn 0,85% (năm 2020), bình quân mỗi năm giảm 8%, vượt chỉ tiêu đề ra.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện thường xuyên, liên tục phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tự nguyện đăng ký thoát nghèo”, “Chung sức xây dựng NTM”, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”... Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, khu dân cư, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những hủ tục lạc hậu...

Chị Vũ Thị Hoài, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ, cho biết: Hội LHPN luôn xác định mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Ba Chẽ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ với phương châm “năng động, chân thành và thân thiện”. Trong đó, đề cao sự gương mẫu về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa của cán bộ, hội viên. Do đó, mỗi cán bộ, hội viên, tập trung xây dựng lối sống có ý thức tự chủ vươn lên, tuân thủ pháp luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, ứng xử trong mọi mối quan hệ xã hội. Đồng thời, chú trọng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong công sở, trong việc cưới, việc tang, từng bước hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Không những vậy, công tác xây dựng và củng cố môi trường văn hóa lành mạnh được Đảng bộ huyện đặc biệt coi trọng, nhằm hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống, phong cách ứng xử của con người Ba Chẽ. Trong đó phải kể đến đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 73/73 thôn, khu văn hóa, đạt 100%. Từ năm 2016 đến 2020, có 217 lượt cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa và doanh nghiệp giỏi. Các thiết chế văn hóa cơ sở cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp với 100% số xã, 72/73 thôn, khu phố có nhà văn hóa khang trang.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Ba Chẽ tích cực tham gia phong trào Ngày chủ nhật xanh.

UBND huyện còn tham mưu xây dựng đề án Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025. Việc triển khai thực hiện các đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình. Đồng thời, xây dựng các hành vi ứng xử văn hóa, văn minh, tuân theo pháp luật, tôn trọng quy định, quy ước. Đến nay, số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 90,1%.

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở còn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Công tác tuyên truyền về di sản văn hóa được thực hiện thường xuyên, gắn liền với việc tổ chức các lễ hội. Nổi bật phải kể đến việc thường xuyên đổi mới tổ chức các lễ hội: Đình làng Dạ, Miếu Ông - Miếu Bà, lồng tồng, trà hoa vàng... nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách, thúc đẩy giao lưu, hợp tác đầu tư. Trong 5 năm qua, các lễ hội của Ba Chẽ thu hút hơn 42.000 lượt du khách tham gia. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng của huyện.

Có thể khẳng định, Nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân, góp phần làm cho đời sống hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Đến hết năm 2020, huyện Ba Chẽ không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 sớm hơn một năm so với mục tiêu đề ra. Toàn huyện hiện có 5/7 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trúc Linh