Amsterdam xin du khách đừng đến phố đèn đỏ để thác loạn

Nghệ sĩ kiêm hướng dẫn viên du lịch Louke Spigt (53 tuổi) kiếm sống nhờ cung cấp các tour du lịch cho hàng triệu du khách nước ngoài đổ về thủ đô Amsterdam của Hà Lan mỗi năm để trải nghiệm văn hóa, cần sa và cảm giác phấn khích.

Tuy nhiên, bà nghi ngờ về sự trở lại của khách du lịch sau khi chính phủ Hà Lan bắt đầu dỡ bỏ hầu hết hạn chế vào tháng 4 để mở cửa đất nước.

“Vấn đề là không thể kiểm soát các nhóm du khách uống rượu quá độ, có ngân sách eo hẹp hay những người xả rác ra đường”, Spigt cho biết.

Theo Independent, sau khi thoát khỏi hàng loạt hạn chế nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19, Amsterdam phải đối mặt với câu hỏi: làm thế nào để vực dậy lĩnh vực du lịch, nền tảng của gần 1/10 nền kinh tế của thành phố, trong khi đảm bảo không đặt gánh nặng lên người dân.

Trước dịch Covid-19, thủ đô của Hà Lan được biết đến với ma túy, phố đèn đỏ và những bữa tiệc thác loạn. Ảnh: Ilvy Njiokiktjien/The New York Times.

Để làm được điều đó, thành phố đang tìm cách kiểm soát cần sa và hoạt động mại dâm ở phố đèn đỏ, chuyển sang tập trung vào việc thu hút du khách thích trải nghiệm các dịch vụ văn hóa và lịch sử.

Ko Koens, giáo sư về Du lịch đô thị mới tại ĐH Khoa học Ứng dụng Inholland, cho biết: “Amsterdam may mắn khi có thể thử một số điều mới trong đại dịch. Không giống như một số điểm nóng về nghỉ dưỡng khác, thành phố có hàng loạt ngành công nghiệp, có nghĩa là đủ khả năng để hạn chế du lịch gây hại”.

Cần cân bằng tốt hơn

Theo dữ liệu từ thành phố, khách sạn ở Amsterdam giảm 68% trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Ngân hàng Hà Lan ABN Amro dự kiến lượng khách vẫn tương đối thấp trong năm nay, với mức lỗ khoảng 8 tỷ euro (6,9 tỷ bảng Anh) cho thành phố và các doanh nghiệp.

Khoảng 11% lực lượng lao động của Amsterdam làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhiều người đang hy vọng có thể quay trở lại công việc sau 15 tháng liên tục bị phong tỏa.

“Cảm giác thật tuyệt khi sau một thời gian dài, tôi đã trở lại mặt nước. Đó là niềm đam mê của tôi”, Joost Barendsen, thuyền trưởng làm việc ở khu vực kênh đào, cho biết.

Những người dân sống ở trung tâm thành phố Amsterdam lại không mấy vui vẻ.

Marlies Weyergang (61 tuổi) cho biết bà sợ hãi cảnh khách du lịch ồn ào trở lại khu trung tâm Nieuwmarkt đẹp như tranh vẽ. “Tôi thấy rất nhiều Airbnb xuất hiện trong khu vực. Họ không mang lại cho cư dân như chúng tôi bất kỳ lợi ích nào”.

Trái với những người làm việc trong lĩnh vực du lịch ở Amsterdam, nhiều dân cư không muốn du khách quay trở lại. Ảnh: Velar Grant/PA.

Amsterdam có khoảng 20 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019. Khu vực trung tâm thường đón 5 khách du lịch cho mỗi thường trú nhân, theo thống kê của chính phủ.

Người dân cho rằng thành phố là nạn nhân của sự thành công của chính nó khi du khách mang theo rác thải, tiếng ồn, khiến giá thuê tăng vọt do sự bùng nổ của dịch vụ cho thuê nhà.

Tháng 6, Tòa thị chính của Amsterdam đã khởi động chiến dịch trị giá 100.000 euro (86.000 bảng Anh) tập trung vào ẩm thực, bảo tàng và thiên nhiên nhằm thu hút khách du lịch có văn hóa hơn là những người đến chỉ để tiệc tùng, thác loạn.

“Nếu khách du lịch chỉ muốn hút cỏ, uống rượu và đến thăm phố đèn đỏ, hãy vui lòng ở nhà”, Victor Everhardt, Phó thị trưởng Amsterdam, nói với Thomson Reuters Foundation.

Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, các nhà chức trách đã nỗ lực giải quyết các hành vi chống đối xã hội của du khách và làm cho thành phố dễ sống hơn với cư dân.

Các quan chức Amsterdam muốn thay đổi quan niệm rằng thành phố này là nơi chỉ để tiệc tùng. Ảnh: PA.

Trong những năm gần đây, thành phố cấm xây mới khách sạn và cửa hàng lưu niệm, đồng thời không cho phép dịch vụ thuê nhà hoạt động ở một số khu vực nhất định.

Femke Halsema, Thị trưởng Amsterdam, cũng đưa ra đề xuất cấm khách du lịch mua cỏ và chuyển phố đèn đỏ từ trung tâm thành phố đến địa điểm mới ở ngoại ô.

Những thay đổi đã nhận về chỉ trích từ một số đơn vị, ví như những người hành nghề mại dâm trong công đoàn Red Light United. Họ cho rằng các kế hoạch này sẽ khiến mình bị lãng quên và khiến nạn buôn bán người trầm trọng hơn.

Một số khác cũng đặt câu hỏi liệu những nỗ lực để xua tan hành vi ồn ào có khả thi hay không.

“Khách du lịch say xỉn sẽ luôn ở đây. Đó là một phần của xã hội Amsterdam”, Berber Hidma (34 tuổi), hướng dẫn viên du lịch, nói.

Nói chung, các kế hoạch được người dân hoan nghênh.

“Khách du lịch không nên nghĩ rằng chỉ vì có thể hút thuốc ở đây mà họ có thể làm bất cứ điều gì mình thích”, Willem Bosse (55 tuổi), nhà tư vấn công nghệ thông tin, cho biết.

Gần nhà của ông ở trung tâm Amsterdam có tới 10 quán cà phê, hầu hết bán cần sa, nhưng không có cửa hàng bán thịt hoặc tiệm bánh.

“Là cư dân, chúng tôi luôn phải thích ứng để phù hợp với khách du lịch. Cần phải có sự cân bằng tốt hơn”, Bosse bày tỏ.

Tác động tích cực

Các doanh nghiệp ở Amsterdam cũng đang có hành động để khuyến khích du lịch tích cực hơn.

Trong 2 năm qua, công ty du lịch Tours That Matter mang đến cho du khách cơ hội khám phá Amsterdam thông qua các chủ đề như thuộc địa, tiến bộ hoặc bền vững. Họ cũng đưa khách du lịch đến các địa điểm bên ngoài trung tâm thành phố, như khu vực Bijlmer - một trong những quận nghèo và đa dạng nhất của Amsterdam.

“Chúng tôi tập trung vào tác động tích cực để đảm bảo người dân địa phương muốn chào đón khách du lịch”, Anouschka Trauschke, đồng sáng lập công ty, cho biết.

Bà nói thêm: “Chúng tôi đào tạo người dân địa phương, như các nghệ sĩ hoặc người vô gia cư, trở thành hướng dẫn viên du lịch và chia sẻ câu chuyện của họ”.

Phòng trưng bày Night Watch ở Amsterdam được thiết kế để cho du khách tới chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ Rembrandt. Ảnh: PA.

Zoku, công ty có trụ sở tại Amsterdam cung cấp chỗ ở, thiết kế gác xép ở địa điểm cho thuê của mình nhằm cho phép khách du lịch và người dân hòa mình trong không gian chung.

Zoku mở rộng mô hình sang Copenhagen và Vienna, 2 thành phố cũng đang vật lộn với thách thức có đủ chỗ cho khách du lịch mà không làm tổn thương người dân.

Giáo sư du lịch Koens cho biết: “Nếu muốn mọi người cư xử như khách, bạn cần phải đối xử với họ như khách chứ không phải hàng hóa. Chúng ta nên xem xét nhiều hơn giá trị xã hội mà du lịch có thể mang lại hơn là lợi nhuận kinh tế. Đó là sự chuyển đổi mà chúng ta cần thực hiện”.

Thiên Nhi