Agribank Thạch Thành nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn

Cán bộ Agribank Thạch Thành kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của gia đình ông Lê Văn Kháng, xã Thành Hưng.

Đến thăm trang trại của gia đình ông Lê Văn Kháng, ở thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng (Thạch Thành), được biết: Gia đình ông là khách hàng truyền thống của Agribank Thạch Thành hàng chục năm qua. Hiện tại, ông đang được ngân hàng tạo điều kiện cho vay 300 triệu đồng đầu tư phát triển trang trại. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, gia đình ông đã tiến hành đào ao nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống; trên bờ ao, bờ vườn trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi và xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt, ngan, gà, chim bồ câu và lợn thịt. Đến nay, doanh thu từ trang trại của ông bình quân mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên, với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, Agribank Thạch Thành đã chỉ đạo, phân công cán bộ tín dụng phụ trách các xã, thị trấn trực tiếp hỗ trợ các tổ trưởng của tổ vay vốn bảo đảm thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ cho vay, quá trình giải ngân. Phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn nguồn vốn vay. Tổ chức giao ban cố định hàng tháng với tổ trưởng các tổ vay vốn; chủ động tham mưu với chính quyền các địa phương về công tác chỉ đạo liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế, đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế của địa phương. Thực hiện chỉ đạo các tổ vay vốn, thu nợ, thu lãi và đôn đốc các hộ vay chấp hành nghiêm việc trả nợ tiền gốc, tiền lãi đúng quy định; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục vay vốn; thẩm định vốn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hàng tuần cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm báo cáo tiến độ công việc, mức độ hoàn thành, khoanh nợ tiềm ẩn, nợ quá hạn phát sinh để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp bảo đảm an toàn tuyệt đối vốn vay. Mọi hoạt động kinh doanh tín dụng ưu đãi của Agribank Thạch Thành luôn được công khai nên tạo được sự đồng thuận giữa ngân hàng với hệ thống mạng lưới khách hàng. Hiện Agribank Thạch Thành có 252 tổ vay vốn trải đều ở 100% xã, thị trấn. Tính đến 31-1, dư nợ qua các tổ vay vốn đạt hơn 700 tỷ đồng, 8.938 hộ còn vay vốn.

Đồng chí Lê Thanh Đức, Giám đốc Agribank Thạch Thành, khẳng định: Thời gian qua, tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa ngân hàng với người nông dân, góp phần thúc đẩy chuyển tải dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng đến tận tay người nông dân nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất. Các tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài đưa các sản phẩm của Agribank đến các hộ nông dân. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong quản lý khách hàng, giảm áp lực quản lý khách hàng cho cán bộ tín dụng. Ngoài ra, tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ, chủ yếu là các trưởng thôn, có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ, hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, bảo đảm tỷ lệ lãi cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Mặt khác, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ có thể học hỏi, trao đổi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả vốn vay ngân hàng, bảo đảm khả năng trả nợ. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại địa bàn xã.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các tổ vay vốn, thời gian tới, Agribank Thạch Thành tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới tín dụng từ huyện đến các điểm giao dịch tại các xã, tổ vay vốn trong việc điều tra, thẩm định, cung cấp thông tin tư vấn, giải quyết cho vay kịp thời, đúng quy trình nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng. Áp dụng linh hoạt lãi suất phù hợp với tình hình thị trường nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền, vay tiền. Tiếp tục đổi mới thái độ, tác phong giao tiếp, rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân, bảo đảm giao dịch chính xác, kịp thời để thu hút và mở rộng khách hàng từ dân cư. Gắn công tác tín dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ với công tác huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, tăng tỷ trọng nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi từ dân cư và nguồn tiền gửi có kỳ hạn ổn định để nâng cao tính chủ động trong sử dụng vốn.

Khánh Phương