9 dự án khơi thông đường thủy quốc gia phía Nam

Bộ GTVT vừa có báo cáo tổng hợp kết quả quy hoạch năm ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có danh mục các dự án ưu tiên đầu tư về đường thủy - hàng hải.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư chín dự án giao thông đường thủy nội địa, cảng logistics khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL để khai thông tuyến đường thủy - hàng hải khu vực này.

Theo Bộ GTVT, đường thủy nội địa có ưu thế vận tải hàng hóa, kể cả khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến xa (300 ÷ 500 km), chi phí thấp. Trong khi đó, giao thông thủy rất phù hợp với vùng ĐBSCL. Tuyến hàng hải cũng giúp chuyển hàng hóa quốc tế với chi phí thấp, phù hợp với nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam.

Hơn 87.750 tỉ đồng đầu tư chín dự án

Cụ thể, khu vực Đông Nam bộ, Bộ GTVT ưu tiêu đầu tư nâng cấp hai dự án quan trọng.

Thứ nhất, đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) với số vốn là 1.400 tỉ đồng.

Thứ hai, kêu gọi đầu tư khu bến cảng và logistics Cái Mép Hạ (Bà Rịa-Vũng Tàu) với nguồn vốn 23.000 tỉ đồng. Dự án hiện đã được tổ chức thi ý tưởng quy hoạch.

Đối với dự án này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 với tổng diện tích lập quy hoạch 1.763 ha (Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ, 1.122 ha; trung tâm năng lượng sạch 198 ha, mặt nước 443 ha).

Từ nay tới năm 2030, Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện chín dự án nhằm khơi thông giao thông thủy quốc gia phía Nam. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Trước vị trí quan trọng của trung tâm logistics Cái Mép Hạ, chính phủ Hà Lan và Bỉ đã có nhiều công hàm gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao cho liên danh nhà đầu tư EU - Việt Nam gồm: Hateco - Bisix - Boskalis - Tpei thực hiện dự án. Đáng chú ý, Besix và Boskalis đều là những tập đoàn lâu đời từng đầu tư nhiều công trình hàng hải, vận tải biển trên thế giới.

Tại khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư bảy dự án. Cụ thể, bộ sẽ đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (50.000 tỉ đồng); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 (1.500 tỉ đồng); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (5.700 tỉ đồng); nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (1.200 tỉ đồng).

Ba dự án còn lại thuộc các dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa. Các dự án này gồm: Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, tuyến giao thông quan trọng nối sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp với 2.276 tỉ đồng; sông Hàm Luông tỉnh Bến Tre với 877 tỉ đồng; tuyến luồng Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau với 1.800 tỉ đồng).

Báo cáo của Bộ GTVT cũng cho biết một trong những tồn tại thời gian qua là việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm so với quy hoạch và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

“Nhiều tuyến đường thủy nội địa chưa được nâng cấp đồng bộ, một số luồng hàng hải chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải, chậm đầu tư kết nối các phương thức vận tải khác” - báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Đầu tư đường thủy để giảm tải cho đường bộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, nhận định: “Rất dễ để thấy tuyến kênh Chợ Gạo và một số đoạn tuyến khác về đường thủy khu vực phía Nam thời gian qua vẫn kẹt liên tục, chưa thể khai thông”.

Theo ông Hùng, về mặt tổng thể, chúng ta phải phát triển đường thủy để giảm tải trọng và bớt lưu lượng cho đường bộ, hàng không và đường sắt. Bởi trong bối cảnh hiện nay đường bộ cao tốc về miền Tây hay khu Đông Nam bộ chưa có nhiều.

“Vấn đề là các dự án đường thủy, hàng hải khi nào đầu tư, đoạn nào quan trọng? Những vấn đề này cần cân nhắc trước khi triển khai và chỉ triển khai theo trọng điểm để có hiệu quả phát triển kinh tế. Mặt khác, về đường thủy, khi lưu lượng lưu thông nhiều, ta nên chú ý đến vấn đề chống sạt lở” - ông Hùng góp ý.

Về góc độ hiệu quả kinh tế, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng hạ tầng cơ sở, giao thông được ví như “mạch máu” phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta dễ nhận thấy vấn đề yếu nhất là liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng.

“Về miền Tây, có lợi thế về kênh rạch, sông ngòi thì hướng phát triển đường thủy là cần thiết trong bốn phương thức đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Ngoài ra, đầu tư đường thủy thì chi phí cũng thấp hơn nhưng cần quan tâm đến vấn đề nạo vét và cầu cảng cho tốt” - ông Long phân tích.

Ông Long cũng nêu quan điểm việc kết nối hạ tầng giao thông thủy phía Nam là quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực này cũng như khai thác hết tiềm năng vốn có về sông nước ở phía Nam.•

PHAN CƯỜNG