60 năm vang mãi lời Người

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến quân và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bác đã 9 lần về thăm Quảng Ninh. Với Cô Tô, ngày 9/5/1961 sẽ mãi là ngày không thể quên, trở thành niềm tự hào của quân, dân và cán bộ nơi đây khi được đón Người ra thăm và là địa phương duy nhất trong cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống.

Sự kiện Bác đến thăm đảo và những căn dặn, những nơi Bác đến ở đảo đã trở thành kỷ niệm thiêng liêng và là tài sản tinh thần vô giá mà Bác Hồ để lại cho quân, dân, cán bộ Cô Tô; làm thay đổi Cô Tô về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngày Bác Hồ ra thăm quân, dân trên đảo, khi ấy Cô Tô còn là vùng đất nghèo nàn, hạ tầng cơ sở còn đơn sơ, đời sống nhân dân vào loại thấp nhất so với cả nước, giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản theo phương thức nhỏ lẻ, thô sơ và trồng trọt với quy mô nhỏ, manh mún, tự túc tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Ghi nhớ lời Bác dạy, quân, dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, xây dựng Cô Tô thành vùng kinh tế phát triển năng động, một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Bác ra thăm đảo và 27 năm thành lập huyện, với lòng thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam và khắc cốt ghi tâm lời Bác căn dặn vào ngày 9/5/1961 khi Bác ra thăm đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết và tiến bộ”, nhân dân, cán bộ và chiến sĩ huyện đảo Cô Tô luôn vững tin, bằng trí tuệ và sự năng động, sáng tạo; nguyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm xây dựng Cô Tô phát triển, vươn lên tỏa sáng như viên ngọc trên vùng biển Đông Bắc, trở thành một tấm gương điển hình về vượt khó, tạo nên những thành quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những thành quả đó đã thẩm thấu vào năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chuyển hóa vào chất lượng cuộc sống mà mỗi người dân Cô Tô đang thụ hưởng và được thể hiện trên nhiều mặt.

Huyện đảo Cô tô ngày nay.

Trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, Cô Tô đã có sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, toàn diện theo hướng hiện đai. Huyện đã hoàn thành cải tạo nâng cấp mở rộng đường xuyên đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân, Trung tâm thương mại, Trung tâm Y tế, các hồ chứa nước và một số hạng mục tại khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá bắc Vịnh Bắc bộ. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp phát triển 40 tàu cao tốc hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, đáp ứng vận chuyển khoảng 10.000 người/ngày, kể cả trong điều kiện thời tiết gió trên cấp 6, giúp việc đi lại giữa huyện đảo với đất liền được rút ngắn, thuận lợi và an toàn.

Năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới của huyện khi Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô đã chính thức hoàn thành, cùng với đó là Dự án hồ chứa nước ngọt Trường Xuân được khánh thành với dung tích 170.000m3 góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề khó khăn về điện và nước ngọt sinh hoạt cho người dân trên đảo, đã mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho huyện đảo. Những biến đổi về hạ tầng cơ sở đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt huyện đảo, thu hẹp không gian, thời gian và khoảng cách phát triển với đất liền, biến Cô Tô thành vùng đất có điều kiện thuận lợi để sinh sống, du lịch và đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời cũng làm tăng cường sức mạnh tổng hợp, tiềm lực quốc phòng của huyện.

Trong phát triển kinh tế, từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, Cô Tô đã có sự bứt phá nhanh chóng; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 12 đến 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 4.100 USD năm 2020. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch (chiếm 60,2%). Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có những bước chuyển biến rõ nét, các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền luôn được chú trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư đồng bộ từ huyện đến thôn, khu. Đến nay toàn huyện có trên 96% gia đình đạt văn hóa, 100% thôn, khu đạt văn hóa. Hệ thống giáo dục đào tạo của huyện ngày càng có nhiều tiến bộ, từng bước nâng cao chất lượng, 100% trường học đạt chuẩn; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học đến lớp cao. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, tỷ lệ bác sĩ trên địa bàn huyện đạt 18 bác sĩ/7.105 nhân khẩu, tỷ lệ nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 36,7%, đến tháng 7 năm 2019, toàn huyện không còn hộ nghèo.

Tàu khách 5 sao giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cô Tô về đất liền và ngược lại.

Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, chủ quyền biển đảo được củng cố và giữ vững; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong bảo đảm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ chủ quyền, phòng chống buôn lậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn được duy trì. Công tác quản lý nhà nước về biên giới, chủ quyền, quốc gia về biển, đảo được quan tâm nhằm xây dựng tuyến biên giới biển ổn định, phát triển. Huyện Cô Tô là huyện đầu tiên trong cả nước tổ chức huấn luyện chuyển hạng quân nhân dự bị, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng dự bị động viên, xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Ý thức về chủ quyền, về biển đảo của Tổ quốc, tinh thần cảnh giác cách mạng thấm sâu trong nhận thức và mọi hành động của người dân, tạo thành thế trận lòng dân vững chắc trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Cô Tô thực sự trở thành một pháo đài vững chắc, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Trong chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra, trong đó xác định việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và cả hệ thống chính trị của huyện. Tiếp tục phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức mới, khai thác và phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt là lợi thế kinh tế biển và địa chính trị của huyện Cô Tô, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc; tận dụng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nắm bắt các cơ hội phát triển mới để thu hút đầu tư phát triển nhanh, tạo sự bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhanh chóng phát triển Cô Tô thành một vùng đảo có kinh tế phát triển, một căn cứ vững chắc để đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Phát triển Cô Tô theo hướng mở cửa và hội nhập trên quan điểm tổng thể, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển những ngành có lợi thế, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái phù hợp với biển đảo, hướng tới du lịch đẳng cấp cao với kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc; xây dựng Cô Tô thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, để xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ dành cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Tô.

Nguyễn Thế Nam (Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Cô Tô)