5 bài học thành công từ 'ông trùm' dầu mỏ Rockefeller

“Bí quyết thành công là, làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường” - John Davison Rockefeller.

Rockefeller từng nói: “Bí quyết thành công là, làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường”.

Trong sự nghiệp, Rockefeller luôn thực hiện công việc với tinh thần tập trung cao và ông luôn ám ảnh bởi “tính hiệu quả”. Khi xây các nhà máy lọc dầu, ông luôn đặt cao yếu tố chất lượng với tính cạnh tranh mà các đối thủ không thể so sánh.

Bài học thứ hai của ông là tìm “con đường đi mới”. “Nếu muốn thành công, bạn phải đi trên những con đường mới chứ không phải là những lối mòn của những thành công vốn đã được chấp nhận”; “Đừng ngại bỏ cái tốt để đi tìm cái vĩ đại”… Đó là những câu “sấm truyền” của Rockefeller.

Trong thực tế, Rockefeller luôn trung thành với triết lý kinh doanh của ông. Một trong những “con đường mới” của Standard Oil là tấn công vào thị trường châu Á. Thập niên 90 của thế kỷ XIX, Standard Oil bắt đầu tiếp thị dầu lửa tại Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với khoảng 400 triệu người dùng dầu lửa thắp sáng. Tại nước này, Standard Oil bán dầu với thương hiệu “Mei Foo” (Mỹ Phu - “mỹ” có nghĩa đẹp và “phu” có nghĩa niềm tin). Thời gian đầu, Mỹ Phu được bán với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho không tại các vùng quê nghèo, nhằm thuyết phục dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật (lạc chẳng hạn) sang dùng đèn dầu. Kết quả, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Standard Oil tại châu Á.

Cuối thế kỷ XIX, Rockefeller bắt đầu đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất, khi Thomas Edison chế tạo được bóng đèn điện. Đã có đèn điện rồi còn ai cần đèn dầu! Tuy nhiên, Rockefeller đã nhanh chóng tìm lối thoát bằng một “con đường mới”: Chế tạo xăng cho ngành công nghiệp xe hơi cũng vừa bắt đầu chập chững hình thành.

Bài học thứ ba là: “Tham vọng”. “Tôi không nghĩ một người chỉ bắt đầu bằng ý tưởng làm sao mình trở nên giàu lại có thể thành công nếu anh ta không có tham vọng lớn hơn”; và rằng “Con đường đi đến hạnh phúc chỉ nằm ở hai nguyên tắc: Tìm những gì khiến bạn quan tâm và bạn có thể làm tốt; Đặt toàn bộ tâm hồn bạn vào đó với từng mảnh năng lượng, lòng tham vọng cũng như khả năng tự nhiên mà bạn có”.

Bài học thứ tư là: “Phát triển kỹ năng lãnh đạo”. “Lãnh đạo tốt là người có khả năng hướng dẫn cho người trung bình biết cách làm loại công việc của người tài giỏi hơn” - Rockefeller nói. Trong thực tế, Rockefeller cho thấy ông chỉ là một người “trung bình” cố hết sức để làm những việc tưởng chừng ngoài khả năng. Và với câu nói sau, người ta có thể thấy thêm tài dụng nhân của ông: “Khả năng xử lý với con người là thứ có thể mua được như bất kỳ hàng hóa nào. Chẳng hạn như cà phê hay đường, và tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn để mua thứ khả năng đó hơn là bất kỳ thứ gì khác trên đời”; rằng: “Tôi thà kiếm được 1% từ nỗ lực của 100 người khác hơn là 100% từ chính nỗ lực cá nhân của tôi”.

Bài học thứ năm của Rockefeller là: “Tôn trọng lương tri”. Bằng cách đó, Rockefeller đã không sống ích kỷ. “Câu hỏi duy nhất với sản nghiệp giàu có là bạn sẽ làm gì với nó?” - ông nói. Rockefeller đã chẳng là “tên tư bản khát máu” khi nói rằng: “Tình bằng hữu tìm thấy trong làm ăn là một thương vụ tốt hơn một thứ làm ăn dựa trên tình bằng hữu”.

Đánh giá lại sự nghiệp Rockefeller, nhà báo - sử gia nổi tiếng chuyên viết thể loại tiểu sử, Allan Nevins (1890-1971), nhận xét: “Sự giàu có của những người Standard Oil đã chẳng phải là hiện tượng một sớm một chiều mà là thành tựu đạt được trong một phần tư thế kỷ, từ sự đầu tư can đảm vào một lĩnh vực mà mức độ rủi ro của nó cao đến độ hầu hết những nhà tư bản đều tránh né; bằng sự lao động bền bỉ; và bằng sự hoạch định minh mẫn nhìn xa trông rộng… Tài sản từ công nghiệp dầu năm 1894 không hề lớn hơn lợi nhuận từ công nghiệp thép, công nghiệp ngân hàng và công nghiệp hỏa xa trong cùng giai đoạn… Chúng ta có thể kết luận rằng tài sản mà ông ấy (Rockefeller) có là ít bị vấy bẩn nhất trong tất cả tài sản khổng lồ khác ở thời ông ấy”.

G.M

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/